Truyền thông Trung Quốc dẫn thông tin từ một nhóm nghiên cứu của Đại học Cát Lâm cho biết, ước tính có khoảng 1,9% tổng lượng carbon giữa các vì sao tồn tại ở dạng graphene, hình thái và tính chất của nó được xác định bởi một quá trình hình thành cụ thể. Do đó, graphene tự nhiên có thể cung cấp thông tin và tài liệu tham khảo quan trọng về quá trình diễn biến địa chất của các thiên thể và việc sử dụng tài nguyên tại chỗ trên Mặt Trăng.
Các nhà nghiên cứu cũng xác nhận chất lượng tinh thể của than chì trong các mẫu đất Mặt Trăng tương đối cao, đồng thời phát hiện ra rằng khu vực lấy mẫu trên Mặt Trăng có chứa carbon cũng chứa các hợp chất sắt mà họ tin là có liên quan chặt chẽ đến sự hình thành của graphene.
Qua quan sát và phân tích, nhóm nghiên cứu xác nhận dạng than chì của carbon được phát hiện trong các mẫu đất trên Mặt Trăng là một loại graphene ít lớp. Sự hình thành của graphene và than chì có thể bắt nguồn từ quá trình xúc tác khoáng sản do gió Mặt Trời và các vụ phun trào núi lửa thời kỳ đầu trên Mặt Trăng gây ra.
Graphene là siêu vật liệu cứng hơn thép và nhẹ hơn giấy được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, đồng thời được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến trong tương lai. Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Trung Quốc đã được công bố trên tạp chí National Science Review.
Được biết, tháng 12/2020, 1.731 gram mẫu vật trên Mặt Trăng đã được sứ mệnh Hằng Nga-5 mang trở về Trái Đất. Đây là những mẫu vật đầu tiên được lấy từ một vùng trẻ hơn trên bề mặt Mặt Trăng có đá núi lửa, cũng là những mẫu vật thiên thể ngoài Trái Đất đầu tiên mà các nhà khoa học Trung Quốc có được.
Tính đến đầu tháng 6 năm nay, 258 mẫu vật Mặt Trăng nặng 77,7 gram đã được phân phối cho 114 nhóm của 40 cơ sở nghiên cứu. Hơn 70 kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí học thuật lớn trong và ngoài nước Trung Quốc.