LCĐT - Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về Xây dựng mô hình trồng rừng và chiết xuất tinh dầu cây màng tang, phục hồi rừng sau canh tác nương rẫy có nguy cơ sa mạc hóa, để tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc vùng cao.
Theo đó, mô hình thực hiện trồng mới 4 ha và cải tạo 1 ha rừng màng tang tái sinh tự nhiên; mô hình được thực hiện tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương...
![]() |
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân chăm sóc cây màng tang. |
Mục tiêu của đề tài nhằm xác định được một số đặc điểm sinh học và đánh giá, xác định hàm lượng của tinh dầu cây màng tang tại các địa phương, để khuyến cáo lựa chọn cây đầu dòng, lựa chọn giống trồng phù hợp.
Màng tang là một loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên, cao từ 2-4 m, phân bố tự nhiên và phát triển tốt trên diện tích đất nương đồi khô, cằn, chịu được khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là trên đất nương rẫy bạc màu, có nguy cơ sa mạc hóa mà ít loại cây nào sống được.
Lá cây màng tang dài và nhỏ, hoa ra thành từng chùm, màu vàng nhạt; quả màng tang nhỏ, nhưng rất nhiều, mùi thơm nồng đậm. Từ quả của loài cây này, nhiều nơi đã chiết xuất tinh dầu dùng trong y học, mỹ phẩm.
![]() |
Cây màng tang mới trồng tại xã Bản Vược (Bát Xát) sinh trưởng tốt. |
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, với 300 kg quả tươi sẽ chưng cất được khoảng 8 kg tinh dầu, giá bán 500.000 đồng/kg. Được biết, sản phẩm tinh dầu màng tang mùi thơm dịu nhẹ, dùng để tắm, xông hơi, massage, xông hương khử mùi, đuổi muỗi… được thị trường ưa chuộng.