Ông Đỗ Đức Đạt, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trì Quang là xã khó khăn nhất của huyện. Tuy đã “về đích” nông thôn mới vào năm 2020 nhưng nhiều tuyến đường của xã nhỏ hẹp, xuống cấp. Xác định giao thông là “chìa khóa” mở cánh cửa tiêu thụ nông sản, phát triển kinh tế bền vững cho người dân, xã đã huy động mọi nguồn lực mở rộng đường cho xe ô tô chở hàng hóa có thể lưu thông thuận tiện.
Đảng ủy, UBND xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội và công chức xã tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc mở rộng và đổ bê tông các tuyến đường, để người dân thấy lợi ích của việc xây dựng hạ tầng giao thông. Người dân được công khai nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách và số tiền của dân đóng góp. Đồng thời, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, ban công tác mặt trận, các đoàn thể, người uy tín ở thôn trong việc tổ chức để người dân tự bàn bạc, tự quyết định tuyến đường, tính toán khối lượng đất, đá, ngày công, tự thành lập tổ giám sát thi công...
Trên cơ sở hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, người dân đã hiến đất, cây cối, phá bỏ tường rào và góp tiền thuê máy xúc mở đường nông thôn. Ông Đặng Văn Quỳnh, Trưởng thôn Làng Đào 2 và cũng là người hiến 600 m2 đất và 300 cây quế 2 năm tuổi để mở rộng đường cho biết: Khi thôn họp bàn mở rộng đường, ban đầu cũng có một số hộ chưa đồng tình, muốn Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bồi thường cây cối, tường rào phải phá bỏ. Sau nhiều lần được tuyên truyền về “việc mở rộng đường là mang lại lợi ích thiết thực cho chính người dân” thì bà con hiểu và hăng hái hiến đất. Nhờ vậy, hơn 2 km nền đường tại thôn Làng Đào 2 đã được mở rộng từ 3 m lên 6 m chỉ trong 4 tháng.
Xã Trì Quang đặt mục tiêu đến năm 2024 hoàn thành việc mở rộng nền đường từ 3 m lên 6 m và nâng cấp hoàn thiện 21 km đường giao thông nông thôn, tuy nhiên chỉ trong 6 tháng cuối năm 2022, xã đã mở rộng nền đường được 20 km. Ngoài ra, người dân còn mở được 2,5 km đường đến khu sản xuất để khai thác rừng trồng. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, người dân trên địa bàn xã đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng mở rộng đường giao thông nông thôn, hiến hơn 26.000 m2 đất và khoảng 5.000 cây cối các loại. Nhiều tấm gương tiêu biểu như ông Nguyễn Hữu Chỉnh (thôn Tân Thượng) hiến 500 m2 đất; ông Trần Văn Thành (thôn Làng Mạ) hiến 700 m2 đất, 50 cây ăn quả; ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Tiến Lập) hiến 600 m2 đất, 100 cây lấy gỗ...
Cùng với đó, phong trào xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Các phong trào trồng cây xanh, trồng hoa nơi công cộng, trong khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông, hoạt động tổng vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần và cuối tháng. Các tuyến đường trong xã đều giao cho các tổ chức hội như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên... cắm biển “Tuyến đường tự quản”. Đến nay, xã đã hoàn thiện 1,5 km đường cắm cờ Tổ quốc; 8,6 km đường hoa; 4,7 km đường điện.
Khi giao thông được mở rộng, việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi. Trên địa bàn xã đã phát triển nhiều mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao như trồng rừng kinh tế, nuôi gà thả đồi, trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản... với hơn 145 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hiện giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác đạt 93,5 triệu đồng (tăng 4,5 triệu đồng so với năm 2021). Thu nhập bình quân tăng từ 47 triệu đồng/người (năm 2021) lên 53,25 triệu đồng/người (năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 8,9%. Trì Quang phấn đấu năm 2025 đạt xã nông thôn mới nâng cao.