Mô hình được triển khai trên diện tích 10 ha với sự tham gia của 13 hộ dân của xã Nậm Chảy. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn với sự tham gia của 120 hộ dân tại xã. Nội dung tập huấn về kỹ thuật bón phân cho chè và những vấn đề cơ bản trong sản xuất chè VietGAP; kỹ thuật thu hoạch, vận chuyển chè; phương pháp ghi chép nhật ký đồng ruộng và hạch toán kinh tế chè nông hộ; cách nhận biết và quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè và kỹ thuật đốn tỉa, tạo tán chè.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, các hộ tham gia mô hình có nhận thức tốt trong áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại vùng dự án, cây chè Shan cho tận thu với năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt hơn 20 triệu đồng/ha/vụ, tăng 10% so với ngoài mô hình.
Thực hiện mô hình thâm canh cây chè Shan theo tiêu chuẩn VietGAP đã nâng cao nhận thức và thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường. Các hộ sử dụng vật tư được kiểm soát (phân bón trong danh mục, có nguồn gốc rõ ràng), mô hình ít bị sâu bệnh phát sinh gây hại. Sản phẩm chè phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường về sản phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tại hội nghị, các đại biểu, đặc biệt là các hộ dân tham gia mô hình mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác để việc trồng và chăm sóc chè đạt năng suất, chất lượng cao, góp phần đưa cây chè trở thành một trong những cây trồng chính đem lại thu nhập cho bà con.