“Sự quyết tâm và đồng lòng của Chính phủ với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cùng với những kết quả đạt được trong hai tháng đầu năm, dự báo quý 1, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ.”
Đánh giá trên được bà Đỗ Thị Ngọc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ trong cuộc trao đổi với VietnamPlus về tình hình kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm và triển vọng trong thời gian tiếp theo.
Nhiều tín hiệu tích cực
- Xin bà chia sẻ một số đánh giá khái quát về tình hình kinh tế - xã trong 2 tháng đầu năm 2024?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Tình hình kinh tế - xã hội hai tháng vừa qua diễn ra trong bối cảnh cả nước đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn với các hoạt động nhìn chung sôi động. Diễn biến kinh tế - xã hội đã ghi nhận những điểm sáng và tích cực trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, hoạt động chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt với thị trường tiêu thụ ổn định. Người dân đã mở rộng quy mô đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường. Ước tính đến cuối tháng Hai, tổng số lợn cả nước tăng gần 5% và tổng số gia cầm tăng 2% so với cùng thời điểm năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 3% là mức khá so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng ước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cùng kỳ năm 2023, chỉ số này đã giảm 2,9%). Với nền sản xuất đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đã tăng cao so với cùng kỳ, xấp xỉ 19%; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 59 tỷ USD, tăng 19% (riêng khu vực kinh tế trong nước tăng 33%), kim ngạch nhập khẩu đạt 55 tỷ USD, tăng 18%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD).
Trên thị trường, hoạt động dịch vụ trong hai tháng qua diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%; vận chuyển hành khách tăng 9% và luân chuyển hành khách tăng 12%; vận chuyển hàng hóa tăng 13,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 14%. Về du lịch, các chính sách thị thực thuận lợi và các chương trình kích cầu du lịch cùng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 69%, tương đương với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19).
Đáng chú ý, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến nay đạt 8,4% kế hoạch năm (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% và đây cao nhất của hai tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Về đời sống, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp đồng thời công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Các cấp, các ngành đã triển khai hỗ trợ, tặng quà Tết cho 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7.800 tỷ đồng và 17.700 tấn gạo.
- Với những kết quả đó, bà có thể cho biết một số dự báo về tình hình kinh tế nói chung và khu vực sản xuất, kinh doanh nói riêng trong quý 1 của năm?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi độ mở của nền kinh tế nước ta lớn, do đó sẽ không tránh khỏi những thách thức. Điều này đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực to lớn của Chính phủ trong công tác điều hành kinh tế - xã hội.
Dự báo, sản xuất công nghiệp sẽ dần phục hồi với kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến - chế tạo dự kiến quý 1/2024, có 31,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 4/2023, 40% cho rằng tình hình sản xuất-kinh doanh sẽ ổn định và 28,4% dự báo khó khăn hơn. Về khối lượng sản xuất, có 30,5% số doanh nghiệp dự báo sẽ tăng và 42,4% đánh giá ổn định, 27,1% doanh nghiệp dự báo giảm. Về đơn đặt hàng, có 29,3% doanh nghiệp dự kiến tăng lên, 43,4% cho rằng ổn định và 27,3% quan ngại sẽ giảm. Đối với đơn đặt hàng xuất khẩu, có 24,6% doanh nghiệp cho biết tăng đơn hàng mới, 46,8% cho hay ổn định và 28,6% dự kiến giảm.
Ngoài ra, hoạt động thương mại, dịch vụ dự kiến sẽ tăng trưởng tốt, đặc biệt lĩnh vực du lịch với nhiều giải pháp đẩy mạnh các chính sách ngoại giao du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch trên thế giới, kích cầu du lịch nội địa, Điều này cho thấy dấu hiệu hoạt động du lịch quốc tế đã phục hồi, theo kịp với khu vực và thế giới.
Hoạt động thương mại kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi các bộ, ngành tiếp tục thực hiện Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.” Điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Về nông nghiệp, sản xuất nông - lâm - thủy sản trong quý 1 dự báo với điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, một số loại nông sản hàng hóa có mức giá tiêu thụ tương đối cao, bà con nông dân sẽ có động lực để tăng cường đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, kết quả vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và thực hiện tại Việt Nam trong hai tháng qua ghi nhận tín hiệu rất tích cực. Điều này khẳng định các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng, lựa chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư, sản xuất kinh doanh nhất là tại các ngành có trình độ khoa học, công nghệ...
- Để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế tại Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đề ra, theo bà đâu là những giải pháp cần phải triển khai, đặc biệt là ngay trong những tháng đầu năm này?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Quốc hội, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6-6,5%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Một là kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát phải liên tục cập nhật để có phản ứng kịp thời. Diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu cần theo dõi chặt chẽ, để thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo mức độ và thời điểm phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Hai là đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Các chương trình xúc tiến thương mại cần thực hiện có hiệu quả đồng thời thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa và vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ba là tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Các hoạt động xúc tiến thương mại triển khai hiệu quả tạo kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông -lâm - thủy sản đồng thời đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do và điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.
Bốn là bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 triển khai nhanh và hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển vùng cũng như các địa phương trong vùng.
Năm là tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, có phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp, chủ động cung cấp nước tưới, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Và, các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm cần thực hiện có hiệu quả. Cụ thể là nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.