Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Trước đó, tín dụng đã bật tăng mạnh trong những tuần cuối năm 2023. Tính riêng trong tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56% (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.
(Ảnh minh họa: KT)
Ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng cho rằng: “Việc tăng trưởng tín dụng hiện nay khó khăn, sức mua, hấp thụ của nền kinh tế yếu, về bán lẻ, tất cả các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV… đều giảm”.
Đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tín dụng đầu ra vẫn thấp, đại diện ngân hàng MB nêu ý kiến: “Hiện tại mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng đều rất thấp, ở mức đáy, các gói cho vay ra đều đã ở mức ưu đãi rồi, nên việc giảm lãi suất không cần thiết nữa, vấn đề ở đây là nhu cầu, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, kinh tế phục hồi, khách hàng có thể kinh doanh và vay vốn ngân hàng”.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lưu ý năm 2024 các tổ chức tín dụng phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản.