Theo Nghị định 70 thì các doanh nghiệp phải triển khai thực hiện tiền lương tối thiểu vùng cho NLĐ trong quý IV năm 2011. Song thực tế khi triển khai thực hiện Nghị định 70, tỉnh Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn do một số cơ sở sản xuất phải thu hẹp, một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất.
Nghị định số 70/CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 05/10/2011 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người làm việc ở các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. |
Tình trạng công nhân lao động mất việc làm hoặc có việc làm không thường xuyên diễn ra phổ biến ở nhiều đơn vị. ở những đơn vị duy trì được sản xuất kinh doanh và có lợi nhuận thì việc thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng được thực hiện kịp thời, đơn giá tiền lương theo Nghị định 70 được hạch toán trong giá thành sản phẩm.
Bên cạnh những doanh nghiệp đã làm được việc đó thì không ít những doanh nghiệp chưa áp dụng kịp thời mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 70 mà chỉ áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 107/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010 của Chính phủ.
Khảo sát 18 doanh nghiệp vào thời điểm tháng 4 năm 2012 của đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cho thấy, các doanh nghiệp đều trả lương cho NLĐ không thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, đó chỉ là những căn cứ để người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, còn tiền lương thực trả cho NLĐ được tính theo khoán sản phẩm, tiền lương của bộ phận gián tiếp được trả theo lương thời gian và phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của mỗi loại hình doanh nghiệp.
Để cải thiện đời sống cho CNVCLĐ, từ năm 2003 đến tháng 5/2012, Chính phủ đã có 8 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Lương tối thiểu chung từ 210.000đ tăng lên 1.050.000đ như hiện nay (tăng 400% so với năm 2003).
Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, năm 2010 lương tối thiểu vùng IV là 830.000đ, đến ngày 01/10/2011 tăng lên 1.400.000đ (tăng 68%), lương tối thiểu các vùng còn lại đều tăng. Tuy vậy, việc tăng lương chỉ có tính chất danh nghĩa, không đáp ứng được mức sống tối thiểu cho NLĐ. Tỉnh Yên Bái, mức tiền lương, tiền công của các doanh nghiệp bình quân chỉ đạt 2,1 triệu đến 2,7 triệu đồng/người/tháng, với mức lương đó chỉ đáp ứng được 60% chi phí cho mức sống tối thiểu.
Trước tình trạng NLĐ mất việc làm hoặc không có việc làm ngày càng gia tăng, lúc này chính sách bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội phát huy hiệu quả, tuy nhiên, việc tham gia đóng BHTN cho NLĐ vẫn chỉ ở mức khiêm tốn, thậm chí có những DN “khoán gọn” các loại chính sách bảo hiểm vào lương cho NLĐ, NLĐ sau khi nhận lương đã phải chi tới 30,5% tiền lương để đóng bảo hiểm cho bản thân, trong đó có loại hình BHTN, vì vậy, NLĐ đã khó khăn lại chồng chất những khó khăn.
Việc đảm bảo mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ theo Nghị định số 70/CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ đối với tỉnh Yên Bái vẫn đang là một bài toán khó. Hy vọng, các giải pháp của Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận và đảm bảo mức lương cho NLĐ theo đúng tinh thần Nghị định của Chính phủ.
Hồng Hương