Cùng dự cuộc họp có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo các nghị quyết HĐND tỉnh đã giao là 6.560 tỷ đồng, tăng 156 tỷ đồng vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến thời điểm này, giá trị giải ngân đạt 3.001 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch hoạch năm (trong 1 tháng tỷ lệ giải ngân tăng 8%, tương đương 638 tỷ).
Đối với kế hoạch vốn năm 2023 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 5.341 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, giá trị giải ngân đạt 2.948 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2023, Lào Cai tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (trung bình cả nước ước đến 22/8/2023 đạt 40% kế hoạch năm).
Tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Áp lực giải ngân những tháng còn lại của năm rất lớn, trung bình 800 tỷ/tháng. Để đạt được mục tiêu này, đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị rà soát, cập nhật lại kế hoạch chi tiết giải ngân để điều hành theo từng tuần, từng tháng, với mục tiêu giải ngân cao nhất 100%. Yêu cầu người đứng đầu các đơn vị sử dụng vốn cam kết giải ngân gắn với hoàn thành nhiệm vụ; các sở, ngành, địa phương đến hết tháng 8/2023 mà kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 dưới mức trung bình của tỉnh, cần làm rõ nguyên nhân, nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, có giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
Về vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 là trên 998,5 tỷ đồng, gồm: Kinh phí năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 thực hiện trên 169,6 tỷ đồng và kinh phí cấp mới năm 2023 là gần 829 tỷ đồng.
Đến ngày 22/8/2023, tổng vốn đã giải ngân của 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 47,4/998,5 tỷ đồng, bằng 4,75% dự toán Trung ương giao, gồm: Chương trình giảm nghèo đạt 13,5/287,8 tỷ đồng, bằng 4,7% dự toán Trung ương giao; chương trình dân tộc miền núi đạt 30/661 tỷ đồng, bằng 4,55% dự toán Trung ương giao; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 3,8/49,5 tỷ đồng, bằng 7,8% dự toán Trung ương giao.
Trong đó, huyện Bảo Thắng có tỷ lệ giải ngân cao nhất 4,9/36 tỷ đồng, bằng 13,8% dự toán Trung ương giao và huyện Bảo Yên giải ngân thấp nhất 1,1/68,8 tỷ đồng, bằng 1,06% dự toán Trung ương giao.
Theo ông Nguyễn Trọng Huân, Phó Giám đốc Sở Tài chính, tổng số vốn sự nghiệp còn phải giải ngân là trên 951 tỷ đồng, bằng 95,2% dự toán Trung ương giao. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, vì nếu trong năm 2023 không thực hiện giải ngân hết thì tỉnh phải nộp trả ngân sách Trung ương (không được phép tiếp tục chuyển nguồn như năm 2022).
Do đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân bổ số kinh phí còn lại cho UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị cấp huyện để triển khai thực hiện. Trước khi đưa ra các vấn đề khó khăn, vướng mắc, cần nghiên cứu kỹ các nội dung văn bản hướng dẫn của các cơ quan cấp tỉnh, nếu trường hợp các văn bản này chưa tháo gỡ được thì chủ động trực tiếp trao đổi với cơ quan đã phát hành văn bản để được hướng dẫn thêm. Tăng cường trao đổi thông tin để cùng hoàn thiện, thống nhất trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp huyện, cấp xã để triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả...
Qua thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do chậm trong các thủ tục về đầu tư, phê duyệt dự án và công tác giải phóng mặt bằng.
Do vậy, các huyện, thị xã, thành phố và sở, ngành cần tích cực phối hợp, quyết liệt rà soát danh mục các dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, khả năng giải ngân để điều chỉnh, quyết định kịp thời; tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin để có giải pháp điều hành phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ đề ra và hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát lại tất cả các dự án và nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, đồng thời chủ động phân khai các nội dung để triển khai thực hiện. Quá trình triển khai có những khó khăn, vướng mắc ở đâu và thẩm quyền cấp nào thì có đề xuất kịp thời giải quyết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện phù hợp với địa phương.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân vốn đầu tư xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra là do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, chậm phê duyệt dự án, chưa quyết liệt trong giải phóng mặt bằng.
Do vậy, ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, trong trường hợp thành viên không đáp ứng được yêu cầu, kịp thời thay thế bằng các đồng chí có năng lực để thực hiện nhiệm vụ đặt ra. UBND tỉnh hằng tháng sẽ thực hiện việc biểu dương, khen thưởng, đồng thời phê bình, nhắc nhở đối với các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị và các sở, ngành của tỉnh trong việc giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, lấy đó làm tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của năm đối với người đứng đầu và đơn vị, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài Nguyên và Môi trường tổng hợp về tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đối với các dự án bệnh viện trên địa bàn các huyện; các dự án đường tỉnh, xây dựng và giao thông kết nối sử dụng vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, làm rõ về thẩm quyền giải quyết của tỉnh, của địa phương và vướng mắc ở cấp nào, cấp đó không có giải pháp tháo gỡ thì sẽ phải chịu trách nhiệm với tỉnh.
Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài Chính chủ trì giữa 3 cơ quan thường trực tổng hợp ý kiến của các huyện, làm rõ nguyên nhân vướng mắc và đề ra các giải pháp thực hiện; Thường trực UBND tỉnh sẽ có cuộc họp chuyên đề để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhằm phát huy hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn đầu tư công. Tỉnh Lào Cai quyết tâm hướng đến đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 từ 95% trở lên.