Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định về xuất khẩu dược liệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 35/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu.
Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ: Thời gian gần đây, báo chí phản ánh hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định.
Việc sửa đổi các quy định cho hoạt động này hoàn thành trước ngày 25/4 tới.
Nguồn dược liệu đa dạng, tự nhiên quý hiếm
Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn dược liệu đa dạng, dược liệu tự nhiên quý hiếm khá phong phú.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế và thậm chí xuất khẩu.
Hiện nay, nguồn dược liệu trong nước để phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng và cổ truyền, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Đến nay, dược liệu trong nước đã được quan tâm để nuôi trồng nhưng vẫn phải nhập khẩu từ các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong công tác quản lý, việc kiểm định chất lượng dược liệu được làm hàng năm. Theo số liệu thống kê, chất lượng dược liệu sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh luôn đảm bảo. Với các loại thuốc được đưa vào bệnh viện sử dụng sẽ phải thông qua đấu thầu, có nguồn gốc, chất lượng mới được sử dụng chữa bệnh. Chỉ có khoảng dưới 1% dược liệu trên thị trường không đảm bảo chất lượng.
Về xuất khẩu dược liệu, Việt Nam đang có những thế mạnh ở một số mặt hàng trọng tâm như quế, hồi, sả, chanh, nghệ, gấc…
Riêng nghệ, Việt Nam đang ký hợp đồng xuất khẩu với Nhật Bản, Mỹ và đang không đủ sản lượng để xuất khẩu.
Đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.
Hiện nay, với quế, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tinh dầu thô sang Trung Quốc và một số nước khác. Theo ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 200.000ha quế. Vùng quế trồng quế lớn nhất của Việt Nam là tại Yên Bái. Bộ Y tế đang định hướng cho một số tỉnh có điều kiện thích hợp như Quảng Nam, Cao Bằng và Lào Cai tập trung phát triển loại cây trồng này.
Trong khi đó, hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.
Theo Bộ Công Thương, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường thuộc khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan-Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu-EU.
Hiện tại 22 tỉnh thành đang thụ hưởng và thực hiện sự đầu tư của Nhà nước về phát triển các cây dược liệu trọng điểm và mỗi tỉnh đang làm thí điểm khoảng 1 huyện, mỗi huyện chọn từ một vài loại dược liệu để làm sao phát triển trở thành kinh tế mũi nhọn.
Để khai thác hết tiềm năng của cây dược liệu cần các bộ, ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế, hội trợ nhằm tìm đối tác.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gene, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia.