Kế hoạch nhằm phát triển mạng lưới chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, định hướng được thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản của tỉnh.

Cụ thể, đối với ngành hàng chế biến sản phẩm trồng trọt sẽ thu hút, nâng cấp, phát triển 4 cơ sở chế biến; ngành hàng chế biến sản phẩm chăn nuôi - thủy sản sẽ thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 1 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại (thực hiện việc pha lọc, bảo quản thịt và chế biến thịt thành các dạng sản phẩm như thịt hộp, thịt xông khói, giò, chả, xúc xích, lạp xường...) và nâng cấp dây chuyền chế biến sản phẩm thủy sản nước lạnh thành thực phẩm sử dụng ngay có tính tiện dụng cao tại thị xã Sa Pa.
Đối với chế biến lâm sản, thu hút đầu tư 1 nhà máy chế biến sâu, tinh chế gỗ, sản xuất các sản phẩm từ gỗ (với công suất hơn 200.000 m3/năm) và 1 cơ sở thu mua, chế biến các sản phẩm từ cây quế trên địa bàn tỉnh; thu hút 1 nhà máy/cơ sở chiết xuất nhựa cánh kiến trắng thô thành benzoic công suất hơn 2.000 tấn/năm.


Các cơ sở chế biến nông, lâm sản có nhiệm vụ tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển các sản phẩm chế biến chủ lực, tiềm năng của tỉnh; đầu tư mới và nâng cấp cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Các cơ sở chú trọng hiện đại hóa công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến và bảo quản nông, lâm sản và thủy sản để tạo ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá thành hạ, giá trị gia tăng cao, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp chế biến nông sản theo hướng tăng cường năng lực, nguồn lực, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.