Ghi nhận của phóng viên, cung đường có hàng trăm điểm sạt lở, chủ yếu từ taluy dương trong hơn 15 km từ ngã tư Bản Vược tới trung tâm xã Bản Xèo; nhiều điểm phải sử dụng phương tiện, thiết bị cơ giới giải phóng mới đảm bảo cho phương tiện giao thông qua lại ở mức tối thiểu.
Khối lượng đất, đá lớn nhất là tại Km2 địa bàn xã Bản Vược (như Báo Lào Cai đã thông tin) được giải phóng hồi 11 giờ 00 ngày 11/9, tạo điều kiện cho phương tiện, máy móc tiếp cận các điểm sau đó.
Đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, có mặt tại khu vực Trường Tiểu học xã Mường Vi, chúng tôi tiếp tục ghi nhận các phương tiện cơ giới đang khẩn trương giải phóng hàng trăm m3 đất đá, cây cối sừng sững chặn ngang đường. Cũng tại thời điểm này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài đang trực tiếp chỉ huy hoạt động thông đường và thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ.
Địa phương đã huy động 3 máy xúc thường, 1 máy xúc nâng, một máy ủi và một số xe ô tô tải đến hiện trường điểm sạt lở để khắc phục hậu quả nhưng do địa hình chật nên chỉ một phần số máy trên tham gia giải phóng mặt đường.
Một công nhân mặc áo in dòng chữ Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền cho chúng tôi biết: Công ty được tỉnh huy động máy móc, nhân lực tới đây hỗ trợ giải phóng đường với yêu cầu làm việc không ngơi nghỉ, thay ca suốt ngày đêm.
Chiều muộn, trong khi điểm sạt lở tại xã Mường Vi chưa được giải phóng, nhiều người trong đó có chúng tôi đã chọn phương án là đi xe máy vòng qua cánh đồng Mường Vi để tới xã Bản Xèo, một số người chọn phương án gửi xe rồi bộ qua điểm sạt lở.
Sáng sớm 12/9, chúng tôi nhận được thông tin điểm sạt lở lớn tại xã Mường Vi được thông trong đêm, Tỉnh lộ 156 chính thức thông suốt tới trung tâm xã Mường Vi. Thông tin chúng tôi nắm được, việc thông đường từ xã Mường Vi tới xã Mường Hum sẽ có nhiều khó khăn bởi có rất nhiều điểm sạt lở ta luy dương, nhất là đoạn Cổng trời và khu vực ngã ba Cán Tỷ.
Đồng chí Tẩn Láo San, Bí thư Đảng ủy xã Bản Xèo cho hay, sau gần 4 ngày bị cô lập, đời sống Nhân dân trên địa bàn ổn định, nguồn cung hàng hóa, nhất là các nhu yếu phẩm vẫn đảm bảo. Với các thôn bị cô lập, người dân thực hiện phương châm tự cấp, tự túc, đảm bảo đời sống ở mức bình thường hoặc tối thiểu.
Trong những ngày mưa lũ, xã Bản Xèo đã di chuyển, vận động di chuyển 80 hộ dân ra khỏi điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét, đến nay, người dân vẫn tuyệt đối an toàn, không có trường hợp nào ốm đau phải chuyển tuyến huyện khám chữa bệnh trong thời điểm xã bị cô lập với bên ngoài.