Trong lúc chờ Bí thư Chi bộ Chảo Ồng Phin tìm chỗ quay đầu xe ô tô con mới mua còn ánh màu sơn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Giao, chị Vàng Thị Thương giới thiệu: “Cù Hà là thôn đặc biệt khó khăn duy nhất của xã Xuân Giao, cũng là thôn hưởng lợi Dự án 8. Trước đây là vùng đồng bào nghèo và lạc hậu, giờ đây đã khác nhiều, một phần rất quan trọng nhờ những thay đổi từ phía chị em phụ nữ”.
Ngôi nhà của Bí thư Chi bộ Cù Hà khang trang, bề thế, vậy nhưng chỉ có 2 vợ chồng ở, bởi các con đã trưởng thành, ra ở riêng. Trên khoảng sân rộng dành để phơi thóc với những bao lúa, ngô chất thành hàng ngồn ngộn.
Một tay bà xã làm, lúc nào rộ mùa thì thuê người. Mình lo việc buôn bán, phát triển kinh tế bên ngoài, vợ thạo việc nên cũng yên tâm.
Ông Phin kể thêm, trước đây, vợ ông “bảo gì làm nấy, nói nào nghe vậy”, từ dạo đi họp Chi hội phụ nữ mà mạnh dạn hơn, đứng ra làm chủ mô hình sản xuất của gia đình.
Thôn vùng cao Cù Hà có 169 hộ, ngoài mấy hộ đồng bào Tày còn lại đều là đồng bào dân tộc Dao. Những thay đổi không chỉ có ở hộ Bí thư Chi bộ, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, cộng đồng tại thôn Cù Hà đã khác xưa nhiều, đặc biệt là việc vươn lên làm chủ mô hình kinh tế, tham gia bàn bạc, thống nhất các công việc quan trọng trong nhà và đóng góp cho phong trào của thôn phát động. Vốn là thôn có đại đa số hộ nghèo thì nay Cù Hà chỉ còn 19 hộ thuộc diện này (chiếm 11,2%), ngày càng có nhiều hơn những hộ có thu nhập khá, hộ giàu nhờ phát triển kinh tế hộ và ngành nghề mới.
Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Cù Hà, chị Hoàng Thị Thắm cho biết, trước đây, chị em phụ nữ trong thôn chỉ làm việc quẩn quanh trong nhà, ngoài vườn, việc ruộng, nương. Hiện rất đông phụ nữ thôn Cù Hà mạnh dạn đi làm công nhật, làm việc chân tay ở thị trấn Phố Lu, thị trấn công nghiệp Tằng Loỏng, tại thành phố Lào Cai, nguồn thu nhập chính yếu của các gia đình cũng bắt đầu từ đây.
Nhiều chị em trong thôn giờ không chỉ theo chồng đi làm cùng các tốp thợ, mà còn làm chủ nhóm thợ, nhóm nhân công. Chị em đứng ra giao dịch, tìm việc cho mọi người làm.
Phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số thôn Cù Hà không chỉ có niềm tự hào phát triển kinh tế mà còn nuôi con ngoan, dạy con tốt. Sự học ở thôn vùng cao Cù Hà trước đây hầu như dừng lại ở tiểu học, THCS thì nay đã có những tấm bằng đại học danh giá, bằng thạc sĩ của con em đồng bào Dao, đồng bào Tày.
Bí thư Chi bộ Chảo Ồng Phin liệt kê sơ sơ đến nay thôn có ít nhất 10 con em theo học đại học, điển hình như em Bùi Thanh Phương, dân tộc Tày thi đậu trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Nhà em Phương thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ không đủ điều kiện nuôi các con ăn học nên từ khi học THCS, mấy chị em đã gắng học giỏi để lấy học bổng, Phương có 12 năm học phổ thông là học sinh giỏi.
Lên đại học, Phương tiếp tục “săn học bổng” và em đã thành công. Hiện một công ty của Nhật Bản đang đài thọ hoàn toàn chi phí học tập của Bùi Thanh Phương để sau này tuyển dụng em làm việc cho doanh nghiệp này. Hai em của Phương cũng thuộc diện học giỏi và đang được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
Hay như em Phùng Thị Hương, dân tộc Dao cũng là một điển hình. Mới ra trường nhưng do học bạ xuất sắc, thiên hướng làm việc tốt nên em được cử đi học thạc sĩ theo diện nguồn cán bộ kế cận của một ngân hàng danh tiếng của tỉnh.
Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuân Giao, chị Vàng Thị Thương cho biết, trong hoạt động xã hội, hội viên, phụ nữ thôn Cù Hà còn tích cực hưởng ứng các phong trào do hội phụ nữ các cấp phát động. Nổi bật là phong trào thi đua xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em; thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới; hoạt động nhân đạo, “đền ơn đáp nghĩa”; vận động phụ nữ phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
Riêng với các nội dung hoạt động của Dự án 8, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuân Giao cho rằng, Chi hội Phụ nữ thôn vùng cao Cù Hà đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế. Ngoài ra Chi hội còn tham gia việc tín chấp ủy thác cho hội viên vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội gắn với việc hỗ trợ theo hướng chị em có kinh nghiệm, cách làm kinh tế tốt giúp chị em bắt đầu khởi nghiệp, hỗ trợ bảo toàn và phát huy giá trị nguồn vốn.
Hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng tại thôn Cù Hà cũng được triển khai tích cực với các chủ đề như tuyên truyền về bình đẳng giới qua khẩu hiệu sáng tạo như “Hãy đối xử công bằng với con trai và con gái”, “Đàn ông được làm, phụ nữ cũng làm được” và phổ biến các nội dung phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cách phòng chống bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng chống tai nạn, thương tích ở phụ nữ, trẻ em và kỹ năng phòng tránh.
Dù mới bước đầu có sự thay đổi nhưng rõ ràng đây là “bước tiến xa” của hội viên, phụ nữ đồng bào dân tộc Dao, dân tộc Tày thôn vùng cao Cù Hà nhờ Dự án 8 sau rất nhiều năm không đổi thay.