Gia đình bà Chảo Thị Thủy (thôn Quy Ke) là hộ tiên phong và có điều kiện kinh tế khá giả nhất thôn. Không cam chịu đói nghèo, cách đây hơn chục năm, bà Thủy đã bàn với gia đình thế chấp nhà ở để vay vốn ngân hàng, cải tạo ao nuôi thả cá thương phẩm, đồng thời đầu tư trồng quế trên diện tích 7 ha đất đồi. Sau nhiều năm chăm chỉ lao động, hiện nay gia đình có nguồn thu ổn định, trung bình 400 - 450 triệu đồng/năm.
Ngoài gia đình hội viên Chảo Thị Thủy, ở thôn Quy Ke còn có hàng chục gia đình hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng từ việc chăn nuôi và trồng quế, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: Lý Thị Chiến, Nguyễn Thị Liên, Chảo Mùi Khé, Chảo Thị Lan…
Chủ động, tích cực phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ trong thôn thêm khẳng định được vai trò trong gia đình, địa phương, có điều kiện tốt hơn để chăm lo cho bản thân và tham gia vào các hoạt động xã hội. Hiện thôn chỉ còn 13 hộ do phụ nữ làm chủ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Chi hội phụ nữ thôn Quy Ke cũng chủ động thành lập mô hình “Địa chỉ hồng” với mục tiêu là giúp đỡ 1 phụ nữ khó khăn/năm về vốn, giống, kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất để vượt khó, thoát nghèo.
Hiện thị trấn Nông trường Phong Hải có 263 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ. Triển khai dự án 8, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn đặc biệt quan tâm công tác hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Trong đó, từ năm 2022 đến nay, các cấp hội đã rà soát, đồng thời tiến hành đăng ký giúp đỡ 9 hộ thoát nghèo bằng cách hỗ trợ thông qua các kênh vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, khoa học - kỹ thuật. Ngoài ra, hội cũng quản lý tốt hoạt động vay vốn ủy thác cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách với tổng dư nợ hơn 16 tỷ đồng; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng, quản lý vốn vay theo đúng quy định. Qua kiểm tra cho thấy các nguồn vốn do hội quản lý được sử dụng để đầu tư mở rộng chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả; tỷ lệ hoàn trả đảm bảo, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho hội viên.
Các chi hội cũng đoàn kết, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế thông qua xây dựng quỹ hội, cho 125 hội viên vay vốn không tính lãi với số tiền hơn 700 triệu đồng. Hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn đã cử 13 phụ nữ trong tổ liên kết sản xuất quế tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, đồng thời tuyên truyền cho các thành viên học tập, hướng tới sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng và biết cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các trang mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Nông trường Phong Hải thông tin: Song song với các hoạt động về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hội còn đẩy mạnh công tác truyền thông cộng đồng. Đến nay đã thành lập được 1 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" và có 5 tổ truyền thông cộng đồng ở các thôn: Quy Ke, Tòng Già, Sín Chải, Ải Nam, Vi Mã (đạt 100% kế hoạch dự án trong giai đoạn 1). Các thành viên tham gia tổ truyền thông là những cán bộ, người dân có uy tín tại địa phương, được tham gia tập huấn và vận hành hoạt động của tổ. Từ khi ra mắt đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn thường xuyên đôn đốc các tổ truyền thông sinh hoạt theo quy chế đề ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng về Dự án 8, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
Qua tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, cụm loa truyền thanh, fanpage, nhóm zalo…, các tổ truyền thông tập trung vận động hội viên, người dân địa phương thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nhằm xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Từ đó đã bước đầu tạo ra thay đổi tích cực trong nhiều hộ dân, các thành viên cùng san sẻ công việc, chia sẻ về tài chính, vun đắp tình cảm… góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.
Ngoài ra, Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại Trường THCS thị trấn Nông trường Phong Hải được thành lập, hoạt động tích cực với 30 học sinh tham gia, sinh hoạt 1 tháng/lần với các chủ đề nhất định. Bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng đã từng bước giúp các em có nhận thức về vấn đề bình đẳng giới, các cơ chế, chính sách liên quan đến trẻ em. Các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ cũng là diễn đàn, cơ hội để học sinh chia sẻ thông tin, tìm hiểu thêm kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới và được bồi dưỡng các kỹ năng tự khám phá an toàn, giao tiếp ứng xử, tự bảo vệ bản thân trong gia đình, nhà trường, cộng đồng.
Việc triển khai hiệu quả nội dung của Dự án 8 tại địa phương đã góp phần tích cực tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế cho hội viên, phụ nữ, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.