Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai là một trong những đơn vị điển hình triển khai nhiều giải pháp cải cách tư pháp. Ngay từ đầu năm 2023, Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai đã xây dựng kế hoạch hoạt động linh hoạt, kịp thời với mục tiêu không để án tồn đọng, kéo dài; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và giải quyết án vào các quy trình, thủ tục hành chính bổ trợ cho hoạt động xét xử tại tòa án, giải quyết các yêu cầu của công dân...
Trước đó, trong năm 2022, Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai thụ lý, giải quyết 1.079 trong số 1.088 vụ, việc (đạt 99,2%), vượt chỉ tiêu 9,2%; tỷ lệ án bị hủy chỉ còn 0,09%, án phải sửa còn 0,28%, thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh đề ra (mức 1,5%). Cũng trong năm 2022, Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai tổ chức 29 phiên tòa rút kinh nghiệm, vượt 141% so với chỉ tiêu; thực hiện 4 phiên tòa xét xử trực tuyến; 3 phiên tòa lưu động và 2 phiên tòa giả định.
Tòa án nhân dân huyện Bát Xát hiện có 10 biên chế (trong đó 4 thẩm phán, 4 thư ký) nhưng trong năm 2022 đã giải quyết 318 vụ, việc. Dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, Tòa án nhân dân huyện Bát Xát vẫn triển khai ứng dụng nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và giải quyết án như phần mềm trợ lý ảo, phần mềm quản lý giám sát hoạt động của tòa án; ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình, thủ tục hành chính bổ trợ cho hoạt động xét xử tại tòa án, giải quyết các yêu cầu của công dân. Các khâu tiếp nhận đơn khởi kiện, tiếp nhận hồ sơ, phân công đơn, theo dõi tiến độ, kết quả giải quyết án được theo dõi trên phần mềm và việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến được Tòa án nhân dân huyện Bát Xát đẩy mạnh.
Để cải cách tư pháp đạt kết quả, tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Lào Cai xác định tập trung vào đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc; khai thác hiệu quả phần mềm trong quản lý, điều hành và phân công giải quyết các vụ án; sử dụng phần mềm trợ lý ảo, quản lý nghiệp vụ thụ lý, giải quyết các loại vụ, việc của tòa án nhân dân...
Bên cạnh đó, tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Lào Cai chú trọng công khai bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên trang thông tin điện tử của tòa án. Năm 2022, đã có gần 2.700 bản án, quyết định được công khai, qua đó nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của tòa án. Việc xét xử trực tuyến được tăng cường, nhất là các vụ án liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục; ma túy; vụ án hành chính... Xét xử trực tuyến các vụ án tạo thuận lợi cho tổ chức các phiên tòa, hạn chế việc hoãn phiên tòa nhiều lần đối với các vụ án hành chính, từ đó nhận được phản hồi tích cực của những người tham gia tố tụng. Năm 2022, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức thành công 5 phiên tòa trực tuyến, hỗ trợ 5 tòa án cấp huyện tổ chức 14 phiên tòa trực tuyến xét xử các vụ án hình sự.
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết: Năm 2022, tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Lào Cai thụ lý hơn 3.500 vụ, việc, tỷ lệ giải quyết đạt 98%, trong đó hơn 600 vụ án hình sự; hơn 2.000 vụ, việc dân sự; 98 vụ án hành chính... Để cải cách tư pháp đạt hiệu quả, ngành tòa án tỉnh đã xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, trong đó có việc cử công chức đi đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Ngành tòa án cũng tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác xét xử, tập huấn kỹ năng viết bản án cho đội ngũ thẩm phán, đảm bảo bản án của tòa án rõ ràng, đúng quy định, hạn chế đính chính, giải thích; chú trọng đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính...