Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm TTATGT đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông; tăng cường tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân.
Giấy tờ xe đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì không phải mang theo
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là quy định về việc giấy tờ xe đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì người dân không phải mang theo. Theo đó, người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, trừ người lái xe gắn máy (Người lái xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ phải đủ điều kiện về độ tuổi và sức khỏe theo quy định).
Nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là quy định về việc giấy tờ xe đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì người dân không phải mang theo.
Khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau: Chứng nhận đăng ký xe; giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật; giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ trên đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì người tham gia giao thông không phải mang theo.
Như vậy, khi dự thảo Luật TTATGT đường bộ được thông qua thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ không phải mang theo các loại giấy tờ nêu trên khi thông tin của các loại giấy tờ đó được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh điện tử VNeID. Người dân được xuất trình giấy tờ tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử VNeID khi CSGT kiểm tra. Bên cạnh đó, dự thảo Luật TTATGT đường bộ cũng quy định, khi tuần tra, kiểm soát, trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì CSGT thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.
Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe
Dự thảo Luật đã sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968 và có kế thừa phân hạng còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Cụ thể, giấy phép lái xe được thay đổi phân hạng bao gồm: Hạng A2 cấp cho người lái xe môtô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm³ đến 175cm³ hoặc có động cơ có công suất định mức tương đương; hạng A cấp cho người lái xe môtô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175cm³ trở lên hoặc động cơ có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2; hạng A3 cấp cho người lái xe môtô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ đề cao bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông.
Hạng B cấp cho người lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe); xe ôtô tải (kể cả ôtô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg…
Hạng C1 cấp cho người lái xe ôtô tải (kể cả ôtô tải chuyên dùng, ôtô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 đến 7.500kg; các loại xe ôtô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B. Hạng C cấp cho người lái xe ôtô tải (kể cả ôtô tải chuyên dùng, ôtô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500kg…
Hạng D2 cấp cho người lái xe ôtô chở người (kể cả ôtô buýt) từ 10 đến 30 chỗ; các loại xe ôtô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C. Hạng D cấp cho người lái xe ôtô chở người (kể cả ôtô buýt) trên 30 chỗ; xe ôtô chở người giường nằm; các loại xe ôtô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D2.
Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750kg. Hạng C1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750kg. Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750kg; xe ôtô đầu kéo kéo sơ mi rơmoóc. Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750kg. Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơmoóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơmoóc trên 750kg.
Riêng đối với người khuyết tật điều khiển xe môtô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A2; người khuyết tật điều khiển xe ôtô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng B.
Như vậy, so với quy định hiện hành thì sẽ không còn bằng lái xe các hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE và FC.
Bảo đảm an toàn cho trẻ em, người đi bộ và xe lăn của người khuyết tật
Ngoài ra, dự thảo Luật TTATGT đường bộ cũng quy định những nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn cho trẻ em, người đi bộ và xe lăn của người khuyết tật. Cụ thể, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ôtô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát. Nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Toàn văn dự thảo Luật TTATGT đường bộ được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng.