Hội nghị tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương năm 2023, những tháng đầu năm 2024 và đề ra các giải pháp thực hiện kế hoạch ngành công thương năm 2024 của Sở Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề còn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương; đề xuất các cơ chế, giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển ngành công thương giữa các địa phương trong thời gian tới; tham luận, thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương; kiến nghị đề xuất những chế độ chính sách liên quan và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của ngành.
Phát triển các loại hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…; tăng cường thu hút và xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại; tuyên truyền phổ biến kiến thức, đào tạo hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác lợi thế các FTA đã ký kết trong thời gian tới; bàn thảo phương thức, cơ chế, các giải pháp và định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển ngành công thương giữa các địa phương; đề xuất cơ chế phối hợp triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch...
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho rằng, cần đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách phát triển logistics, góp phần hoàn thiện khung khuôn khổ pháp lý đối với dịch vụ logistics; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù cho phát triển logistics; tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính cho dịch vụ logistics; tăng cường năng lực và nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với dịch vụ logistics trên địa bàn; tăng cường nhận thức về quản lý nhà nước đối với dịch vụ logistics trong tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp...
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những tháng đầu năm 2024 mặc dù bối cảnh phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự điều hành linh hoạt của Bộ, UBND các tỉnh, sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung.
Đáng chú ý, 25/28 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương so với cùng kỳ; 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên.
Song song với công nghiệp, thương mại trong và ngoài nước của các địa phương trong khu vực cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.