LCĐT - Từ lâu, việc đan móc len sợi với nhiều bạn gái dường như đã trở nên “xa xỉ” bởi cuộc sống hiện đại quá bận rộn; công nghệ dệt may phát triển cũng khiến cho việc đan móc len thủ công không phổ biến như nhiều thập niên trước đây nữa. Thật khó để thấy hình ảnh phụ nữ, trẻ em gái “đua nhau” cầm kim đan len, hay móc khăn, áo, mũ mỗi vụ rét… Thế nhưng, “len lỏi” trong dòng chảy cuộc sống bộn bề hôm nay vẫn có những phụ nữ hiện đại đam mê các sản phẩm len móc.

Nguyễn Liên, cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Bảo Yên biết móc len từ khi còn là sinh viên đại học, nhưng hồi ấy, cô chỉ móc theo trào lưu được một chiếc khăn rồi không móc nữa. Đam mê chỉ bắt đầu trở lại khi cô sinh con gái nhỏ. Chính vì vậy, cô con gái vừa là nguồn cảm hứng để Liên sáng tạo, vừa là người mẫu nhí mỗi khi cô hoàn thành một sản phẩm mới.
Ban đầu, khi xem trên mạng Internet, thấy mọi người móc được những chiếc mũ, giầy, khăn, váy bằng len rất điệu và phong cách, Liên đã mua len về làm theo. Lúc ấy, chưa sẵn đồ len như bây giờ, nên có lúc, cô phải nhờ em gái đang học ở Thái Nguyên xuống Hà Nội tìm mua len rồi gửi lên Bảo Yên cho mình. Nguyễn Liên tâm sự: Tôi thường tự tìm các video dạy móc trên mạng để học. Lúc đầu, tôi chỉ biết làm theo đúng mẫu, dần dần tự sáng tạo ra nhiều kiểu mới. Mỗi đôi giày hay chiếc mũ, tôi móc thành nhiều kiểu khác nhau, kiểu nào lên dáng chuẩn nhất, đẹp nhất, tôi tự mình ghi công thức ra giấy để làm mẫu sau này.
Những sản phẩm đầu tay Liên móc cho con gái dùng, rồi tặng người thân, bạn bè. Về sau, nhiều người thấy Liên làm đẹp đã đặt mua, nên cô bắt đầu móc len để bán. Có lúc bận rộn, cô cũng đành tạm gác công việc móc len sang một bên, song mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, lại tiếp tục niềm đam mê công việc này. Liên chia sẻ: Móc len là nghề truyền thống của phụ nữ Việt, nhưng đó cũng là một nghệ thuật. Vì thế, người làm ngoài niềm đam mê phải có sự sáng tạo không ngừng. Công việc này rèn cho tôi đức tính cẩn thận, tỉ mỉ và lòng kiên trì. Mỗi lần bắt gặp một mẫu sản phẩm đẹp ở đâu đó, tôi lại có cảm hứng cầm kim móc và sáng tạo. Không phải sản phẩm nào tôi móc cũng thành công luôn, có khi phải tháo ra móc vào cả chục lần mới ra sản phẩm như ý, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nản. Móc len không chỉ thể hiện sự khéo tay của phụ nữ, mà đơn giản là được thỏa sức đam mê…
Mặc dù ngày nay, đồ may mặc và dệt len trên thị trường rất sẵn và đa dạng, nhưng đồ handmade vẫn luôn mang dáng vẻ riêng mà không một máy móc nào có thể thay thế được. Bởi vậy, qua mạng xã hội, rất nhiều bạn bè đã “đặt hàng” Liên móc cho những chiếc mũ sợi, chiếc khăn len, mũ len, những chiếc túi xách thời trang. Sở dĩ, nhiều chị em vẫn thích đồ handmade là vì có thể yêu cầu cô chọn chất liệu, kiểu dáng, phối màu theo sở thích, chèn tên riêng, logo ngộ nghĩnh… để tạo ra sản phẩm riêng “độc, lạ” chỉ mình mình có.

Đam mê móc len, nên mỗi khi có loại len mới là Liên phải dành dụm tiền, tìm mua bằng được. Cô “thú nhận” có khi dành tiền lương cả tháng để mua len, có lúc trong nhà có hơn 30 loại len, sợi. Sau nhiều năm đam mê móc len sợi, Liên tự mày mò, học hỏi và rút ra kinh nghiệm cho riêng mình, móc loại nào phù hợp cho từng sản phẩm, lứa tuổi, kiểu dáng ấy... Mặc dù có rất nhiều đơn đặt hàng, nhưng cô cũng chỉ làm tranh thủ những lúc rảnh rỗi, ngoài giờ lên lớp, sau thời gian làm việc nhà, chăm con...
Cũng vì yêu thích móc len, Liên tự tin tham gia một số nhóm, hội có cùng sở thích đan móc len trên các trang mạng xã hội. Ở đó, cô và các thành viên thường xuyên chia sẻ các mẫu đẹp mỗi khi móc thành công hoặc sưu tầm được, đồng thời còn hướng dẫn nhau móc những mẫu mới bằng video hoặc hình ảnh thật. Nhờ vậy, cô cập nhật liên tục nhiều mẫu mới, hoa văn mới để làm ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn. Sau mỗi sản phẩm len móc thành công, khách hàng hài lòng là động lực để cô tiếp tục với những mẫu sản phẩm len móc mới.
Để phù hợp với xu thế hiện đại, Liên và nhiều phụ nữ cùng sở thích thường xuyên cập nhật các mẫu mới trên mạng, từ người đan, móc giỏi hơn mình, có khi lấy cảm hứng từ những mẫu thú bông, hoa lá, hình dán lạ mắt mỗi khi bắt gặp. Liên còn thường xuyên tham gia học hỏi qua những website chuyên dạy móc thú, móc mũ miễn phí và lớp dạy online về đan móc. Giờ đây, cô đã thành thạo các thao tác móc len, nên móc nhanh và mũi móc đều hơn. Đặc biệt, cô có thể nhìn hình ảnh, tự mày mò và móc theo mẫu, giống mẫu đến 90%...
Ấp ủ của Liên sau này khi con gái lớn, cô sẽ dạy con cách móc len của mẹ. Không chỉ truyền đam mê sang con gái, mà đây còn là cách rèn cho con tính kiên trì, tỉ mỉ và biết gìn giữ nghề thủ công truyền thống. Theo Liên nghĩ, mỗi sản phẩm được làm ra tự mình sẽ biết trân trọng hơn giá trị sức lao động của bản thân. Do vậy, cho dù cuộc sống hiện đại lấy đi khá nhiều thời gian, thế nhưng, Liên vẫn luôn thu xếp công việc, tạo cho mình khoảng thời gian “sống chậm giữa ồn ào” bằng việc móc len giản dị.