Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng của ngân hàng, góp phần vào quá trình thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát triển tài chính toàn diện
Theo Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Tô Huy Vũ, thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của kỷ nguyên số đã tạo ra sự thay đổi vượt bậc trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, tài chính số càng cho thấy tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện và hiệu quả, nhất là thời điểm giãn cách xã hội, thông qua các nền tảng số như thiết bị di động, mạng internet, thẻ liên kết với các hệ thống thanh toán số,… mà không cần đến tiền mặt. Tại Việt Nam, kết quả phát triển tài chính số là một trong những thành công của chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ.
Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam David Gottlieb cho biết, một trong những lợi ích của giáo dục tài chính số cho khách hàng là nâng cao ý thức tiết kiệm, khả năng lập kế hoạch hoàn trả vốn vay của khách hàng. Tiết giảm thời gian từ hoạt động trả nợ của khách hàng, quản lý vốn vay cho tổ trưởng, có thể tham gia hoạt động tạo thu nhập. Ngoài ra, các khách hàng nữ thêm tự tin để bàn bạc, đưa ra quyết định về các hoạt động tạo thu nhập và thúc đẩy cơ hội tham gia hoạt động cộng đồng.
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội là một định chế tài chính công thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ cho các đối tượng chính sách. Những kết quả trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến hết tháng 4/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 299 nghìn tỷ đồng, với 6,6 triệu khách hàng vay vốn.
Nhìn nhận về các dịch vụ tín dụng chính sách trong kỷ nguyên số, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hoàng Minh Tế cho rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có những quyết sách để giúp khách hàng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là phụ nữ từng bước tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động.
Với sự hỗ trợ và hợp tác của Bộ Ngoại giao thương mại Australia, Quỹ châu Á, Mastercard và các đối tác công nghệ, dự án Mobile Banking đã thúc đẩy và hỗ trợ hiệu quả Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển thành công nền tảng tài chính số phù hợp với các đối tượng phục vụ của mình.
"Quá trình triển khai các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động bắt đầu từ việc triển khai dịch vụ tin nhắn SMS cho khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp đó là thí điểm triển khai ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách dành cho những người làm công tác quản lý tín dụng chính sách và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và gần đây nhất là ứng dụng VBSP SmartBanking", ông Hoàng Minh Tế cho hay.
Đưa nền tảng số đến nhóm đối tượng yếu thế
Với ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội, sau gần hai năm triển khai, đến nay đã có 47.786 người tại 26 tỉnh, thành phố sử dụng, trong đó có hơn 25.759 là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ứng dụng này dễ dàng tải xuống qua điện thoại thông minh, cho phép cán bộ các tổ chức chính trị-xã hội, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn, cán bộ giảm nghèo của địa phương có thông tin kịp thời và thực hiện hiệu quả hơn các nghiệp vụ trong quy trình cho vay và quản lý tín dụng chính sách.
Mới đây nhất, ứng dụng VBSP SmartBanking sau gần ba tháng triển khai đã có 75.000 tài khoản, phát sinh hơn 642 nghìn giao dịch, tương ứng với số tiền hơn 5.400 tỷ đồng.
"Ứng dụng VBSP SmartBanking bước đầu hứa hẹn các tác động tích cực, giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa với các dịch vụ tài chính đa dạng và hiệu quả, góp phần kết nối người dân ở các địa bàn của Ngân hàng Chính sách xã hội với nền kinh tế số", ông Hoàng Minh Tế nhận định.
Chia sẻ thêm về ứng dụng số của ngân hàng, chị Nguyễn Thị Kiều Vy - người vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội tại Hà Nội cho hay, chị đã mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Chính sách xã hội quận Hà Đông và được cán bộ ngân hàng hướng dẫn cài đặt ứng dụng Mobile Banking trên điện thoại di động. Điều này đã giúp chị giao dịch tiện lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Còn theo bà Đào Thị Thu, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn phường Tây Mỗ (Hà Nội), sau khi mở tài khoản thanh toán và cài đặt dịch vụ Mobile Banking tại Ngân hàng Chính sách xã hội, bà cảm thấy tiện ích, dễ sử dụng, thay vì chỉ thanh toán bằng tiền mặt như trước kia.
"Nạp thẻ điện thoại, chuyển trả tiền điện, tiền nước đều qua điện thoại di động, tiện lắm. Giờ con trai đi làm xa, hằng tháng gửi tiền cho bố mẹ chi tiêu cũng rất dễ dàng", bà Thu phấn khởi chia sẻ.
Từ những kết quả đạt được trong dự án Mobile Banking, nhiều chuyên gia, tổ chức tài chính cũng bày tỏ mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục có những bước đi quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ tài chính trên điện thoại di động phù hợp, mang đến những tiện ích vượt trội cho khách hàng, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia, để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng và nhất định không để ai bị bỏ lại phía sau.