Có hơn 182 km đường biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Lào Cai là cửa ngõ giao thương quan trọng của hàng hóa Việt Nam, các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam (Trung Quốc) và ngược lại. Vài năm trở lại đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, hành vi mua sắm của người tiêu dùng hai nước đã thay đổi, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Thống kê của ngành công thương Lào Cai cho thấy, năm 2024, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt trên 3,4 tỷ USD, trong đó, nhóm hàng hóa giao dịch qua nền tảng thương mại điện tử chiếm khoảng 12%. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Không đứng ngoài xu hướng phát triển thương mại điện tử, tỉnh Lào Cai đã có sự chuyển dịch từ “trạm trung chuyển hàng hóa truyền thống” sang trung tâm thương mại điện tử biên mậu. Các sàn thương mại điện tử địa phương, kho ngoại quan, trạm kiểm định chất lượng, hạ tầng logistics hiện đại, thông minh… dần hình thành là nền móng vững chắc để Lào Cai tiếp cận hệ sinh thái thương mại điện tử xuyên biên giới.

Không những thế, Lào Cai là một trong số ít những tỉnh của Việt Nam có hệ thống cửa khẩu quốc tế hiện đại, kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc - nền kinh tế số 2 thế giới và cũng là quốc gia có hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển hàng đầu. Việc hàng hóa Việt Nam có thể “chạm cửa” thị trường Trung Quốc sau vài giờ vận chuyển từ Hà Nội đến Lào Cai thông qua hệ thống giao thông kết nối hiện đại là một lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có.
Đánh giá về tiềm năng thương mại điện tử xuyên biên giới của Lào Cai, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Chủ tịch Liên minh Thương mại điện tử xuyên biên giới (ACBC) nhận định: Những năm gần đây, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác song phương. Hai bên đã tăng cường hợp tác triển lãm hội chợ, thúc đẩy quảng bá, giao lưu giữa doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mở rộng thị trường, cùng thúc đẩy kinh tế thương mại...

“Tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và các địa phương thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã có sự thống nhất trong việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử qua biên giới; sớm hình thành trung tâm thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Kim Thành, hỗ trợ tích cực trong xúc tiến, thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử (ZTO Express, Alibaba...) nên có thể tham gia “cuộc đua” thương mại điện tử xuyên biên giới từ rất sớm” - bà An đánh giá thêm.
Theo phân tích của bà Lê Thị Hoàng Oanh, Trưởng Bộ phận tư vấn xuất khẩu khu vực phía Bắc, Tập đoàn OSD (đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba tại Việt Nam): Tỉnh Lào Cai có nhiều dư địa phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới với một số mặt hàng nông sản tiềm năng, các sản phẩm OCOP (quế, chè, mật ong, dược liệu, cá hồi, cá tầm...), mặt hàng thủ công là các sản phẩm thổ cẩm, thêu ren và nhiều khoáng sản, kim loại quý, đất hiếm…

Mặc dù có nhiều lợi thế và đang phát triển nhưng nhiều chuyên gia cũng đánh giá, lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới của Lào Cai còn chưa tương xứng với tiềm năng vì chưa tiếp cận được đa dạng các kênh bán hàng xuất khẩu trực tuyến; nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử và sự đầu tư của các doanh nghiệp vào nội dung này còn hạn chế; các chứng chỉ quốc tế để đưa sản phẩm chưa đa dạng và các sản phẩm được đầu tư xây dựng thương hiệu bài bản cũng chưa nhiều; việc hỗ trợ doanh nghiệp thiếu chiều sâu…
Vừa nắm bắt được tiềm năng, lợi thế, vừa nhìn thẳng vào những khó khăn, rào cản, tỉnh Lào Cai đã từng bước đưa ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó, tập trung vào việc kết nối các sản phẩm địa phương, thế mạnh của Lào Cai với thị trường Vân Nam; kết nối sản phẩm nội địa khác của Việt Nam và Trung Quốc thông qua các hoạt động triển lãm, giới thiệu sản phẩm; xúc tiến thành lập trung tâm R&D hỗ trợ tiếp cận thị trường Trung Quốc, kết nối nhà sản xuất - nhà cung cấp dịch vụ - nhà phân phối hai bên; xây dựng chuỗi cung ứng dược liệu; phát triển mạng lưới logistics toàn diện từ Việt Nam đến Trung Quốc, đưa hàng hóa từ nhà máy đến tận tay khách hàng; phân loại hàng hóa xuất khẩu và lựa chọn mô hình nhập khẩu vào Trung Quốc phù hợp; quan tâm xúc tiến phát triển hạ tầng xuất khẩu trực tuyến (mô hình bán hàng O2O; khu vực trưng bày kết hợp các phòng livestream; phát triển nguồn nhân lực cho địa phương KOLs, KOCs; xây dựng sàn thương mại điện tử hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến B2B, B2C…).

Bên cạnh những giải pháp của tỉnh đang triển khai và đề xuất của các doanh nghiệp về phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, để tỉnh Lào Cai sẵn sàng “nhập cuộc đua” thương mại điện tử xuyên biên giới, tại Hội nghị phát triển thương mại điện tử tỉnh Lào Cai năm 2025 vừa được tổ chức hồi giữa tháng 3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: Tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về lợi ích và cơ hội của thương mại điện tử xuyên biên giới. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lào Cai để triển khai các chương trình đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương nâng cao kỹ năng kinh doanh trên các nền tảng số.

Tỉnh Lào Cai cần quan tâm thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng logistics, kho bãi, hệ thống thanh toán điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới để nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa và dịch vụ. Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp địa phương xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đạt các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường toàn cầu. Phối hợp với các đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp logistics để xây dựng cơ chế thông quan hàng hóa thương mại điện tử thuận lợi, ứng dụng giải pháp số vào quản lý chuỗi cung ứng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
“Tỉnh Lào Cai cần tiếp tục phát huy mối quan hệ hợp tác tốt với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ASEAN và các thị trường tiềm năng khác để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.