Lo giá hàng hóa biến động
Lên kế hoạch nhập hàng hóa để bán dịp cuối năm và Tết, chị Trần Ái Liên (chủ một siêu thị mini ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: sức mua cuối năm, nhất là dịp Tết bao giờ cũng cao nhất, nhưng thực tế những năm gần đây, sức mua không tăng, ngại nhất là nhập hàng về không bán được, vì người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Theo chị Liên, các đầu mối bán hàng cho biết, giá điện tăng, giá vận chuyển tăng nên giá hàng hóa phải tăng theo. Điều này cũng gây khó cho người bán hàng, vì nếu không nhập hàng thì sợ không có hàng để bán, mà nhập nhiều thì lo ế...
Câu chuyện giá cả hàng hóa cũng được các tiểu thương ở chợ đưa ra bàn tán. Chị Hoàng Thu Hằng - tiểu thương kinh doanh gạo ở chợ Ngọc Lâm (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Giá gạo Tám Điện Biên, Tám Nam Định đã leo lên mức 19.000 đồng/kg, gạo Tám Thái 22.000 đồng/kg. “Giá gạo tăng vù vù nên lượng bán ra thấp hơn trước. Người dân co kéo hơn trong việc mua lương thực” - chị Hằng cho hay.
Không chỉ giá gạo, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu khác cũng tăng. Nhiều tiểu thương tại các chợ cho biết, giá hàng hóa tăng do chi phí vận chuyển nhích lên dưới tác động nhiều đợt tăng giá xăng dầu vừa qua.
Giới chuyên gia nhận định, thời gian còn lại của năm không nhiều, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là trong tầm tay, nhưng các yếu tố gây áp lực lên giá cả vẫn lớn, nhất là giá xăng dầu và giá hàng hóa thế giới dù có hạ nhiệt song vẫn ở mức cao; hiệu ứng giảm giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu đến các nhóm hàng hóa khác chậm hơn so với hiệu ứng tăng giá của các mặt hàng do nhà nước quản lý như giá điện. Ngoài ra, cung tiền, tín dụng, vòng quay tiền và tổng cầu sẽ tăng cao hơn vào chu kỳ cuối năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và Việt Nam. Chưa kể cuối năm là mùa tiêu dùng, nên tâm lý giá tăng theo sức mua là khó tránh khỏi.
Để hạn chế mức tăng giá hàng hóa tiêu dùng, giảm bớt khó khăn cho người dân, nhiều ý kiến cho rằng, cần đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, tránh để tình trạng khan hiếm xảy ra. Cùng với đó, cần có thêm biện pháp để hạn chế mức tăng giá các nguyên nhiên liệu đầu vào. Đối với giá xăng dầu, nên giảm tiếp một số loại thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, rà soát lại giá cơ sở trong giá xăng dầu để kiềm chế tăng giá, góp phần tạo tâm lý tiêu dùng tích cực trong nhân dân.
Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết tăng 10%
Giá cả tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng, để đối phó, các địa phương cũng đang ráo riết chuẩn bị nguồn hàng, đặc biệt là nguồn hàng phục vụ Tết.
Theo Sở Công thương Hà Nội tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố ước đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023, trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản các vùng, miền.
Sở Công thương Hà Nội cũng khẳng định, mặc dù nhu cầu mua sắm dịp cuối năm luôn có xu hướng tăng nhưng thu nhập của người dân bị co hẹp lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đã thay đổi thói quen tiêu dùng.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu chủ động kết nối, khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024; tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Trong khi đó, thông tin từ UBND TPHCM cho biết, đã giao Sở Công thương thành phố chủ trì và triển khai thực hiện kế hoạch phân phối hàng hóa Tết. Theo đó, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% - 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản...
Hiện nay các doanh nghiệp (DN) sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ và kiên quyết không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, mất cân đối nhu cầu trong mọi tình huống.
Về sức mua dịp Tết Giáp Thìn năm nay, Sở Công thương TPHCM cũng dự báo sẽ tăng khoảng 11 - 13% so với Tết Quý Mão 2023. Bên cạnh lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, hoa, quần áo, giày dép,… sẽ tăng mạnh vào giáp Tết.
Giữ ổn định mặt bằng giá cả
Nhiều ý kiến nhận định, năm nay người dân, nhất là những hộ có thu nhập trung bình sẽ có xu hướng hạn chế tiêu dùng, chỉ mua sắm những mặt hàng thực sự thiết yếu. Chính bởi vậy, giá cả dịp cuối năm được dự báo có tăng theo quy luật thị trường, song không tăng cao và bất thường...
Nhiều DN cho biết, DN tham gia chương trình bình ổn giá thị trường vẫn luôn cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5-10%. Trong trường hợp tăng giá do chi phí vận chuyển, nguyên liệu... tăng, DN sẽ có báo cáo đến Sở Tài chính.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Nguyễn Ngọc An, Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Lượng hàng dự trữ chiếm khoảng 10-20% sản lượng. Ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, DN còn giảm giá từ 10-20% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và giảm giá 30% một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn.
Trao đổi với báo giới, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, để góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp. Theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; đôn đốc các địa phương sớm có kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có diễn biến bất thường; Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có).
Đặc biệt Bộ Công thương chỉ đạo các DN tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường nhằm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền đặc biệt là các nhóm mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Hài hòa các chính sách
Mục tiêu điều hành lạm phát cả năm 2023 là đạt được, thậm chí còn nhiều dư địa để tính toán, điều hành giá. Tuy nhiên cần giải pháp phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách, nhất là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; cùng với đó là phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhất là nguồn cung xăng dầu.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để kiểm soát lạm phát kỳ vọng…