Nhu cầu cao
Kết quả khảo sát về nhu cầu sử dụng sản phẩm xanh của Nielsen IQ cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm đối với sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường...
Cụ thể, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Đặc biệt, có đến 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Theo Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả tràn lan trên thị trường, người ưu tiên mua sắm thực phẩm organic, bio organic, thực phẩm không biến đổi gen không gây hại đến môi trường…
Thực tế cho thấy, để đáp ứng nhu cầu mua sắm sản phẩm xanh thân thiện với môi trường hệ thống siêu thị như HaproMart, Co.opmart, Winmart, Go! & Big C, Lotte Mart, MM Mega Market... đều ưu ái dành những vị trí nổi bật, dễ lựa chọn cho các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn xanh như gạo Jasmine, Japonica, cà chua, bí đao, rau xanh... Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân (doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị BigC, GO, Top Market) cho biết, hiện hệ thống phân phối này đang tiêu thụ khoảng 30.000 sản phẩm, trong đó thực phẩm xanh, an toàn…có sức tiêu thụ ngày càng tăng.
Tương tự, Giám đốc Vận hành LotteMart Việt Nam Park Chang Lyul thông tin, siêu thị này phân phối hơn 100.000 mặt hàng các loại, trong đó hơn 80% là hàng Việt Nam. Đáng chú ý, các mặt hàng tươi sống bày bán tại hệ thống siêu thị LotteMart đều phải đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và trải qua quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ từ đầu vào đến khi lên quầy.
Xanh hóa quy trình sản xuất
Việc các siêu thị ưu tiên tiêu thụ sản phẩm xanh cho thấy, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất nếu đảm bảo chất lượng và có yếu tố xanh thì hàng hóa sẽ rất dễ tiếp cận các kênh phân phối lớn không chỉ ở nội địa, mà còn có cơ hội vươn ra thế giới.
Tham tán thương mại tại EU Trần Ngọc Quân cho biết, hiện EU đưa ra những quy định khắt khe khắt khe về sản phẩm dệt may phải thân thận với môi trường như buộc phải chuẩn bị quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm rác thải từ dệt may; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có thể tái chế. “Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, đây sẽ là cơ hội để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu”- ông Quân nêu rõ.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, hiện ở thị trường trong nước, hàng Việt đã dần bám chắc xu hướng chuyển đổi xanh nên sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận.
“Đơn cử như Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) đang có các dòng sản phẩm dầu gội từ thiên nhiên như dầu gội bồ kết, dầu gội tinh dầu bưởi, trong đó nổi bật nhất là dòng sản phẩm dầu gội Fresh… đang được bán rộng rãi ở nhiều kênh siêu thị. Để làm được như vậy, SCC đã nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm dầu gội tập trung vào yếu tố thiên nhiên như bồ kết, tinh dầu bưởi, hà thủ ô…”- ông Đức nêu ví dụ.
Nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới của người dân, các nhà sản xuất Việt Nam đã có những điều chỉnh rõ rệt để có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng. Thông tin từ công ty Nestlé Việt Nam, năm 2020 Nestlé là doanh nghiệp đầu tiên sử dụng ống hút giấy bảo vệ môi trường trên các sản phẩm Milo, đến năm 2021, doanh nghiệp chuyển đổi ống hút giấy cho toàn bộ sản phẩm uống liền.
Quản lý đối ngoại cấp cao của Nestlé Việt Nam Lê Thị Hoài Thương khẳng định, việc phát triển sản phẩm thân thiện môi trường là một trong những nguyên nhân giúp các sản phẩm Nestlé dễ dàng được các kênh phân phối cả trong và ngoài nước chấp nhận tiêu thụ.
Với lĩnh vực thời trang, đại diện Tập đoàn Uniqlo thông tin, xu hướng trong tiêu dùng hiện nay là ưu tiên sản phẩm bền vững, minh bạch thông tin, ít phát thải và tái sử dụng. Trong bối cảnh đó, mục tiêu của Uniqlo là nâng tỷ lệ vật liệu tái chế và các vật liệu khác có lượng phát thải khí nhà kính thấp lên 50% vào năm 2030. Uniqlo cũng ưu tiên chuyển đổi và nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo tại các nhà máy, giảm lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất… Điều này cũng chính là yêu cầu chung cho tất cả các đơn vị muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của Uniqlo.
Đồng hành cùng sự chuyển đổi của doanh nghiệp, thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, cơ quan đang tập trung triển khai xây dựng hệ thống phân phối xanh, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn. Đồng thời tập trung đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp nâng cao nhận thức để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Qua đó, hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đã hướng dẫn về chính sách của các khu vực và thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam ở thị trường nước ngoài.