LCĐT - Thị xã Sa Pa phấn đấu đến năm 2025 có 400 ha cây dược liệu và hướng đến trở thành vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh.
Thị xã Sa Pa hiện có 210 ha cây dược liệu, gồm: Atiso, sa nhân tím, đương quy, tía tô, chè dây và các loại cây dùng chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Đến nay, hơn 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguồn dược liệu tại địa phương, mang lại doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm.
Qua nghiên cứu, đánh giá cây dược liệu trồng tại Sa Pa có chất lượng tốt và hàm lượng dược tính cao hơn so với các địa phương khác. Các sản phẩm sơ chế, chế biến từ cây dược liệu trên địa bàn thị xã được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng như cao mềm atiso, trà phun sương atiso, cao phun sương atiso, trà túi lọc - trà dây leo Sa Pa, trà túi lọc giảo cổ lam, trà giảo cổ lam Sa Pa…
Bên cạnh những điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn còn một số khó khăn: Do diện tích đất chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt mạnh nên không mở rộng diện tích trồng tập trung. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất còn ít, chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Một số cây dược liệu chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, các sản phẩm dược liệu chủ yếu là bán tươi hoặc chế biến thô rồi xuất bán nên giá trị kinh tế chưa cao. Dược liệu được thu hái và sản xuất chủ yếu bằng kinh nghiệm bản địa, chưa cập nhật, phổ biến theo các quy chuẩn, quy định trong nước và thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP)…
Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa cho biết: Xác định rõ thuận lợi, khó khăn, thị xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sơ chế, chế biến sâu; đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Dẫn chúng tôi đến khu vườn trồng atiso của gia đình, anh Má A Chu, thôn Má Tra, phường Hàm Rồng cho biết: Mảnh vườn này trước kia trồng ngô, rau, thu nhập đạt 20 đến 30 triệu đồng/năm. Từ năm 2011, khi trồng atiso theo hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa, đến nay gia đình thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. Ngôi nhà gỗ khang trang, 2 chiếc xe máy và các vật dụng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, bàn ghế… đều mua từ tiền bán atiso.
Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa là doanh nghiệp sản xuất dược liệu gắn bó với thị xã Sa Pa hơn 20 năm nay. Đơn vị đã liên kết với hàng trăm hộ trên địa bàn để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Hằng năm, công ty đều áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cấp quy trình sản xuất, thực hiện các nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công ty đã mở rộng vùng trồng nguyên liệu lên hơn 100 ha (năm 2013 chỉ có 3 ha), kiểm soát vùng thu hái cây thuốc tự nhiên 35.000 ha theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới GACP - WHO. Công ty hiện có 3 dây chuyền chiết xuất, 1 hệ thống công nghệ sấy phun cao dược liệu và 1 hệ thống phòng sạch, công suất đạt 3.000 tấn dược liệu, tương đương 100 đến 120 tấn cao dược liệu/năm.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Traphaco Sa Pa cho biết: Thời gian tới, công ty sẽ phát triển mô hình kinh tế dược liệu gắn với trải nghiệm du lịch thảo dược. Theo đó, sẽ có khu tham quan, khu nuôi trồng dược liệu để du khách trải nghiệm. Du khách sẽ được thu hái, chế biến dược liệu, thưởng thức các món ăn chế biến từ dược liệu. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các hộ trong vùng phát triển mô hình kinh doanh sản phẩm dược liệu bản địa kết hợp du lịch cộng đồng” - ông Sỹ nói.
Dược liệu là 1 trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Với những tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây dược liệu, thị xã Sa Pa đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh với hơn 400 ha, trong đó tập trung vào các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, atiso, giảo cổ lam, xuyên khung, tam thất, đương quy. Vùng sản xuất dược liệu quy hoạch tại các xã, phường: Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Hàm Rồng, Sa Pả, Liên Minh, Mường Bo.
Cùng với mở rộng sản xuất, Sa Pa cũng đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu; tăng cường thu hút doanh nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định; khai thác hiệu quả và bảo tồn cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế và y dược…