|
LCĐT - Đến phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa) thời điểm này không khó để bắt gặp hình ảnh những giàn nho sai trĩu quả, chín tím rịm. Đây là giống nho được người Pháp mang đến trồng tại Sa Pa từ hàng trăm năm trước. Trải qua thời gian, giống nho này gần như trở thành loại cây “bản địa” được người dân Sa Pa lưu giữ, bảo tồn và phát triển.
|
Theo những người dân sinh sống lâu năm ở phường Ô Quý Hồ, giống nho Pháp đã “bén duyên” với mảnh đất này nhờ hợp khí hậu, thổ nhưỡng và dễ chăm sóc bởi không phải dùng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây, hầu như nhà nào trong khu vực cũng trồng một vài gốc nho vừa để làm cảnh vừa để ăn và ngâm rượu. Quả nho lúc non có màu xanh, đến khi già dần chuyển sang màu đỏ và chín hẳn thì có màu tím rịm. Nho khi chín cho vị chua rôn rốt, mùi thơm đặc trưng riêng của Sa Pa, có thể ăn trực tiếp, ngâm siro, ngâm rượu hoặc ủ rượu vang.
|
Ông Trần Văn Nhất (tổ 1, phường Ô Quý Hồ) cho biết, gia đình lên Sa Pa sinh sống từ những năm 1960 và ông ngoại của ông Nhất đã lấy giống nho này về trồng. Hiện tại, gia đình ông có 7 gốc nho, mỗi năm thu khoảng 2 tạ quả, bán được 10 triệu đồng. Vườn nho là địa điểm được nhiều khách du lịch tìm đến tham quan, trải nghiệm.
Gia đình chị Lưu Thị Hường ở tổ 2, phường Ô Quý Hồ cũng là một trong số ít hộ dân giữ được nhiều gốc nho hàng chục năm tuổi để nhân rộng trên diện tích 700 m2. Mỗi năm, vườn nho của gia đình chị cho thu gần 1 tấn quả bán phục vụ du khách và người dân trên địa bàn thị xã. Quả nho thu hoạch vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 hằng năm. Khách thường đặt và lấy tận vườn với giá khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Mỗi năm, vườn nho tạo nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
|
Giữ được 1 gốc nho gần 50 năm tuổi, gia đình bà Nguyễn Thị Thu (tổ 3, phường Ô Quý Hồ) cũng có nguồn thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng mỗi năm. Theo bà Thu, gốc nho càng lâu năm càng cho quả sai. Nho không phải chăm sóc nhiều, chủ yếu cần làm giàn chắc chắn, bón phân hữu cơ bổ sung vào tháng 2, đến tháng 7 có thể thu hoạch. Nho thu hoạch đến đâu được khách đặt mua hết đến đó. Gia đình đã nhân giống, trồng thêm hơn 30 gốc trong khu vườn nhà. Dự kiến vụ nho năm 2023, những cây nho 3 năm tuổi sẽ cho những lứa quả đầu tiên.
|
“Gia đình tôi mong muốn khi nhân rộng mô hình sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ tiêu thụ hoặc chuyển giao kỹ thuật ủ rượu vang, chế biến mật nho… để có thể phát huy hết giá trị của giống nho “bản địa” Sa Pa”, bà Thu nói.
Với hiệu quả từ những vườn nho lâu năm, chính quyền phường Ô Quý Hồ đã tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục gìn giữ và phát triển giống nho Pháp, đồng thời xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống nho này với diện tích khoảng 20 ha.
Nói về việc bảo tồn và phát triển giống nho Pháp, ông Triệu Trọng Bằng, Chủ tịch UBND phường Ô Quý Hồ cho biết: Từ hiệu quả của các gia đình trồng nho, chúng tôi đã vận động người dân mở rộng, phát triển mô hình. Hiện nay, trên địa bàn phường có khoảng 20 ha trồng rải rác, mỗi hộ trồng từ vài trăm đến vài nghìn mét vuông. Bên cạnh đó, xã đang tìm kiếm các giải pháp phù hợp, trong đó sẽ liên kết tiêu thụ, chế biến để tạo thị trường ổn định và nâng cao giá trị cho quả nho.
Có thể thấy, việc bảo tồn và phát triển cây nho Pháp tại phường Ô Quý Hồ đang là hướng đi hiệu quả, không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo cảnh quan đẹp để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, khám phá.