Giai đoạn 2016-2021, bình quân gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần/năm. Năm sau luôn cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11,6%.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án người lao động đóng dưới 20 năm thì sau 12 tháng không đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Còn phương án 2 là người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần với điều kiện như trên, song mức nhận tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Số còn lại sẽ bảo lưu đến khi đủ tuổi hưởng lương lưu.
Quốc hội cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần
Theo Bộ Tư pháp, hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất còn bất cập.
Thứ nhất, nghị quyết 93 ngày 22-6-2015 của Quốc hội cho phép người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì có thể yêu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tuy nhiên, dự thảo luật quy định thành "sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện" thì mới được rút một lần.
Điều này được hiểu là người lao động sau 12 tháng mà thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm sẽ không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Cạnh đó, Bộ Tư pháp lo ngại nếu tuyên truyền, giải thích chính sách không cặn kẽ có thể khiến người lao động phản ứng không tốt. Đặc biệt là những người làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn. Họ gặp khó khăn nên nhận bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước mắt.
Thứ hai, nghị quyết số 28 của trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và dự thảo luật nêu rõ giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm còn 15 năm. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng cả hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần nêu trên vẫn có điều kiện hưởng là người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm.
Thứ ba, phương án 2 chưa nêu rõ người lao động có tiếp tục được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu có yêu cầu hay không?
Do đó, cơ quan này góp ý Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích thêm, đánh giá kỹ tác động khi bổ sung quy định cả bảo hiểm xã hội tự nguyện và bắt buộc. Đồng thời, ban soạn thảo cần phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động kinh tế - xã hội của từng phương án với người lao động, quỹ bảo hiểm xã hội và quan điểm lựa chọn.
Nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần do khó khăn khi mất việc, gia đình có việc riêng.
Các bộ ngành khác nói gì?
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan này nghiêng về phương án 2. Bởi nếu người lao động rút toàn bộ tiền đóng bảo hiểm xã hội một lần thì sau này muốn đóng lại phải "đi từ vạch xuất phát", tức là đóng lại từ đầu.
Điều này có thể khiến nhiều người không có đủ số năm tối thiểu hưởng lương hưu. Trong khi, nếu rút bảo hiểm một phần (50%) để giải quyết khó khăn, phần còn lại giữ cho tương lai sẽ như bảo hiểm lâu dài, để ngỏ cơ hội đóng bảo hiểm xã hội trở lại.
Dù ủng hộ phương án 2, song Ngân hàng Nhà nước đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa cho người lao động lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc rút 50% thời gian đã đóng.
Thời gian 50% còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu. Vì bảo hiểm xã hội dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội thì được quyền hưởng tối đa thời gian đã đóng, không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng.
Ngược lại, Bộ Quốc phòng lại đề nghị chọn phương án 1. Bởi phương án 2 không quy định rõ 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc giai đoạn nào, thiếu chặt chẽ, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Do đó, Bộ Quốc phòng đề nghị để người lao động có quyền lựa chọn đóng - hưởng và tăng cường các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục.
Còn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm điều kiện thời gian chờ 12 tháng ở cả hai phương án xuống khoảng 3 tháng, tránh tình trạng "bán sổ non bảo hiểm xã hội" cũng như tín dụng đen.