Thơ ru mây gió đã nhiều
Thơ về ru lấy người yêu trong nhà!
Người từng mê đắm vì ta
Hồi chưa làm vợ người là tình yêu!
Mắt lá răm đổ sang chiều
Núi cao sông cả cũng liều theo ta
Đường trường chẳng trách rằng xa
Gian truân cũng chẳng coi là gian truân
Dần dà tiêu hết tuổi xuân
Lo tròn phận vợ chẳng cần kiêu sa
Rồi sau ta hóa ra ma
Thì vẫn người ấy vì ta mà thờ.
Ru trắng tóc một cõi thơ
Ru qua thăm thẳm mộng mơ kiếp người
Ru trong nháy mắt một đời
Ru cho xanh lại một thời trẻ trung.
Ngọc Bái
Đôi dòng cảm nhận của Nguyễn Anh Thân:
Bài thơ này có tứ thơ rất lạ, nó được phát lộ ngay từ hai câu thơ mở đầu. Ý thơ như òa ra từ sự bừng thức của nàng thơ - dẫu có muộn màng - song đáng trân trọng xiết bao! Câu thơ gợi cho người đọc một cảm giác đa chiều, căn vặn, chợt lóe ngỡ ngàng của tâm thức: “Thơ ru mây gió đã nhiều/ Thơ về ru lấy người yêu trong nhà!”.
Thơ Ngọc Bái chiết trung tới mức tác giả bài viết này thấy không thật cần thiết phải bình luận thêm. Có thể coi khổ thơ mở đầu bằng hai câu thơ trên (đã dẫn) làm mệnh đề thì khổ thơ thứ hai là giải đề, viện dẫn hoàn mỹ: Người yêu của ta, rồi người ấy làm vợ ta, là "người yêu trong nhà" của ta, như thế đấy!
Khi yêu, người trao ta vẹn tình: “Người từng mê đắm vì ta”. Về làm vợ, người trao ta trọn nghĩa: “Đường trường chẳng trách gần xa/ Gian truân cũng chẳng coi là gian truân/ Dần dà tiêu hết tuổi xuân/ Lo tròn phần vợ chẳng cần kiêu sa”. Và rồi, lỡ ra ta có mệnh hệ nào mà phải về cõi trước thì vẫn là đôi tay người ấy lo toan gánh vác đến trọn kiếp vì duyên phận: “Rồi sau ta hoá ra ma/ Thì vẫn người ấy vì ta mà thờ”.
Khổ thơ cuối, tác giả đưa ta đắm mình về cõi chiêm nghiệm, suy triết giữa thơ và đời, giữa mộng và thực, giữa nháy mắt một đời người trong cõi mộng mơ thăm thẳm của kiếp người. Mà qua đó sáng lên ý thức tự thân về nghĩa vụ và trách nhiệm của ta trước cuộc đời, trước gia đình và người yêu dấu: Ru trắng tóc một cõi thơ/ Ru qua thăm thẳm mộng mơ kiếp người/ Ru trong nháy mắt một đời/ Ru cho xanh lại một thời trẻ trung.
Tình yêu lứa đôi là đề tài muôn thuở của thơ ca kim cổ. Thế nhưng thơ ca nói về tình yêu vợ chồng (mà nhất là nói theo cách dùng chữ của Ngọc Bái "người yêu trong nhà" thì quả ít gặp trên văn đàn xưa nay).
Khai thác đề tài muôn thuở và gần gũi này, tác giả đã chọn thể thơ lục bát truyền thống để biểu đạt. Tứ thơ sắc, lời thơ giản dị, gần gũi mà chuyển tải nội hàm sâu xa, hàm xúc. Tiếng thơ sung mãn, cứ lung linh khoe sắc, toả hương rồi cứ thế lặng lẽ neo vào lòng người đọc, bừng lên nét đẹp trung trinh, son sắt của những người yêu nhau khi nên vợ nên chồng.
N.A.T