Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vừa được nhận bằng UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cuốn sách "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - hành trình đến di sản nhân loại". |
Nhân dịp này, NXB Thế giới ra mắt cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - hành trình đến di sản nhân loại”. Cuốn sách do Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Chí Bền, Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Từ Thị Loan và các cộng sự tuyển chọn nhiều bài nghiên cứu về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, cùng nhiều bài đăng trên các tờ báo uy tín.
Cuốn sách gồm 3 phần: Phần 1 - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm những bài viết giới thiệu sơ bộ về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Phần 2 - Để được UNESCO vinh danh, gồm các bài viết giúp người xem hình dung được quá trình lập hồ sơ đệ trình lên UNESCO. Ở phần này, có những bài viết giá trị của các nhà nghiên cứu văn hóa như: GS Trần Lâm Biền, Trần Quốc Vượng… về tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ hội Phủ Dầy (Nam Định).
Phần 3 - Để di sản mãi trường tồn và lan tỏa, là những bài viết nêu nên những vấn đề về quản lý và bảo tồn di sản.
GS.TS Nguyễn Chí Bền, người tham gia trong ban tuyển chọn của cuốn sách cho biết, trong bối cảnh di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang còn nhiều vấn đề trong việc quản lý, phát huy giá trị, những nhà nghiên cứu hy vọng cuốn sách sẽ góp phần giúp cho việc tuyên truyền tới đông đảo công chúng cái nhìn toàn vẹn và đầy đủ về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ là hình thức lên đồng, hầu đồng, đó là cách nhìn nhận phiến diện, không đầy đủ khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bị biến tướng. Nhiều người vin vào việc thực hành tín ngưỡng được công nhận là di sản thế giới nên đã cố tình thương mại hóa, làm biến tướng, sai lệch đi giá trị tốt đẹp, sâu xa của tín ngưỡng này. Các nhà khoa học mong muốn, cuốn sách sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về di sản mới được vinh danh của Việt Nam, để từ đó có ý thức chung tay gìn giữ, tôn vinh di sản.