Quảng Trị tổ chức Lễ hội tôn vinh giá trị của hòa bình

Tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Vì hòa bình vào tháng 7/2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”.

2.jpg

Sáng 31/5, tại Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo giới thiệu Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình.

Tham dự sự kiện có các đồng chí: Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Ngoại giao.

Về phía tỉnh Quảng Trị có các đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị; Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban tổ chức lễ hội.

Các đại biểu tham dự Họp báo.
Các đại biểu tham dự Họp báo.

5 NĂM CHUẨN BỊ CHO LỄ HỘI VÌ HÒA BÌNH

Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Võ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết: Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình. Trải qua những cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình.

Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng được xem là “chiến địa”, “trấn biên”, phên dậu” và ba lần được chọn làm thủ phủ của đất nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh. Nhưng hôm nay, nơi đây “đất thiêng đã nở đóa hoa hòa bình”, Quảng Trị đã hồi sinh và vươn mình lớn dậy, khởi sắc trên tro tàn đổ nát của chiến tranh, trong thế giới hòa bình và hội nhập.

"Vì lẽ đó, Quảng Trị là nơi lựa chọn ứng hợp nhất, nơi của những nhịp cầu kết nối, nơi của những điểm chạm sâu thẳm trong lòng người để tổ chức một lễ hội lần đầu tiên tại Việt Nam với quy mô quốc gia, quốc tế - một lễ hội mang thông điệp Hòa bình", đồng chí Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, đồng chí Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh Quảng Trị đã ấp ủ, thai nghén Đề án tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình từ 5 năm trước với mục đích nhân văn lớn lao nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình; tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng Quảng Trị từng bước trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình, truyền đi thông điệp yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, kêu gọi nhân loại chung tay xây dựng nền hoà bình bền vững trên thế giới.

Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Genève về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương (20/7/1954 - 20/7/2024), 77 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Đồng chí Võ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chia sẻ thông tin tại sự kiện.
Đồng chí Võ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chia sẻ thông tin tại sự kiện.

Đây cũng là sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế trong giai đoạn 2024-2025 theo Quyết định số 3032/QĐ-BVHTTDL ngày 16/10/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

"Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới hiện nay đang còn có những điểm xung đột, Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức trên vùng đất Quảng Trị từng nhiều đau thương, mất mát, hủy diệt bởi chiến tranh, nơi 'đất thiêng nở đóa hoa hòa bình' sẽ truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, kêu gọi nhân loại chung tay xây dựng nền hoà bình bền vững trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam", đồng chí Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Đồng chí Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tham dự buổi họp báo.
Đồng chí Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tham dự buổi họp báo.

Đại diện Ban tổ chức thông tin, lễ hội sẽ được khai mạc vào tối 6/7/2024, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, các chương trình nghệ thuật đặc sắc với mong muốn dấu ấn của lễ hội sẽ tạo ra các điểm nhấn cảm xúc “mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị”- mảnh đất đã trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, sự hàn gắn và hồi sinh.

Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ là một minh chứng sống động cho khát vọng ấy, khi Quảng Trị đón nhận bạn bè quốc tế, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, đoàn kết và phát triển, biến quá khứ đau thương thành động lực mạnh mẽ cho những bước tiến mới.

ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ TRONG TƯƠNG LAI

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh 5 ý nghĩa của sự kiện, bao gồm:

Thứ nhất, Lễ hội đáp ứng đúng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế hiện nay. Hòa bình luôn là khát vọng cháy bỏng của nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay.

Thứ hai, Lễ hội cũng truyền đi thông điệp: Việt Nam yêu chuộng hòa bình, bao dung và nhân nghĩa. Việt Nam mong muốn đóng góp vào vấn đề nóng bỏng nhất của thời đại là kiến tạo và gìn giữ hòa bình.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ về ý nghĩa Lễ hội vì Hòa bình năm 2024.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ về ý nghĩa Lễ hội vì Hòa bình năm 2024.

Thứ ba, Lễ hội góp phần quảng bá những sắc màu văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của Quảng Trị; là sự kết hợp sống động giữa truyền thống và hiện đại, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, giàu tính nhân văn và đầy sức cuốn hút.

Thứ tư, Lễ hội đóng góp vào việc tôn vinh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo cơ hội để các nền văn hóa các quốc gia gặp gỡ, qua đó thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, gắn kết người dân, đưa văn hóa trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển, chung tay xây dựng một thế giới hòa bình đoàn kết và phồn vinh.

"Bên cạnh đó, thông qua quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung, sự kiện cũng giúp tôn vinh, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại", Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.

Cuối cùng, Thứ trưởng Ngoại giao tin tưởng, lễ hội sẽ tạo động lực quan trọng để Quảng Trị không chỉ trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, địa chỉ đỏ vì hòa bình, nơi hội ngộ bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình, mà còn góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Thông tin thêm tại sự kiện, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết, cá nhân ông đã gặp trực tiếp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tại Paris để giới thiệu về sự kiện. Người đứng đầu UNESCO đánh giá cao, hoan nghênh sáng kiến nhân văn của Việt Nam: "Vì chiến tranh bắt nguồn từ trong tâm trí con người, nên phải xây dựng thành trì về hòa bình từ trong tâm trí con người..." Bà Audrey Azoulay cũng khẳng định sẽ gửi thông điệp tới Lễ hội.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông mong muốn Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ là minh chứng sống động cho khát vọng khi Quảng Trị đón nhận bạn bè quốc tế, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, đoàn kết và phát triển, biến quá khứ đau thương thành động lực mạnh mẽ cho những bước tiến mới.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG ĐA DẠNG, ĐẶC SẮC TẠI LỄ HỘI

Tại sự kiện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã thông tin nhanh về các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024.

Theo đó, cùng với hoạt động tri ân, tưởng niệm, chương trình Lễ hội được thiết kế với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, giải trí, thể thao, ẩm thực được tổ chức ở nhiều không gian khác nhau, với nhiều cung bậc khác nhau, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người trẻ.

Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ có các hoạt động chính bao gồm: Ngày hội Đạp xe vì hòa bình (29-30/6), dự kiến có khoảng 1.000 vận động viên phong trào trong nước và quốc tế tham dự; Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình với chủ đề Kết nối những nhịp cầu (tối 6/7); Lễ hội Văn hóa, ẩm thực Hương vị miền hoa nắng (12-14/7). Ngoài ra, công chúng cũng sẽ được tham dự nhiều chương trình giao lưu âm nhạc đặc biệt xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ hội...

Đáng chú ý, hiện Ban tổ chức đã mời được 7 quốc gia đồng ý cử đoàn nghệ thuật tham dự Lễ hội, trong đó có không ít nghệ sĩ nổi tiếng thế giới tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chia sẻ về các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình năm 2024.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chia sẻ về các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình năm 2024.

Một chương trình chính khác tại Lễ hội Vì hòa bình là "Ước nguyện hòa bình" vào tối 26/7 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với các hoạt động như: Lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện. Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình diễn ra đồng thời với các hoạt động tri ân tại tất cả nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ các Anh hùng liệt sĩ.

Ngoài các hoạt động nói trên, trong của Lễ hội, sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Lễ hội vì hòa bình, đặc biệt là Chương trình nghệ thuật chính luận "Vĩ tuyến 17-Khát vọng hòa bình" do Báo Nhân Dân tổ chức diễn ra vào tối 19/7 tại khu vực Kỳ đài bờ Bắc khu di tích đặc biệt Quốc gia đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Giải Chạy Marathon "Hành trình về đất lửa" tỉnh Quảng Trị diễn ra từ ngày 15-16/6; Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam; các giải thể thao quốc gia, Hội chợ thương mại quốc tế "Nhịp cầu xuyên Á"…

"Đặc biệt, tất cả các hoạt động đều được tổ chức vào những ngày cuối tuần, tạo điều kiện cho du khách gần xa có thể về tham dự", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị thông tin thêm.

Ngoài ra, Lễ hội Vì Hòa bình sẽ được tổ chức theo hướng "mở", chỉ có ngày bắt đầu chứ không có... bế mạc. Đây cũng là cách Ban tổ chức gửi đi thông điệp: Bất cứ lúc nào, công chúng cũng có thể tới tận hưởng không khí lễ hội, không khí vì hòa bình tại Quảng Trị.

"Chúng tôi kỳ vọng Lễ hội Vì Hòa bình sẽ trở thành một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới ở Việt Nam và riêng có của Quảng Trị, thu hút khách du lịch tới và trở lại trong nhiều lần tiếp theo", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.

Thông tin thêm về việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ du khách tham gia lễ hội, đồng chí cho biết hiện tỉnh Quảng Trị đang thống kê toàn bộ cơ sở lưu trú trên địa bàn, đồng thời tính phương án huy động các ký túc xá, homestay, nhà dân... đủ điều kiện. Ngoài ra, địa phương cũng lên phương án dự phòng, chia sẻ du khách với 2 tỉnh lân cận là Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế.

"Sau Lễ hội, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung vào phát triển du lịch dựa trên cơ sở liên kết vùng, lấy mũi nhọn là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch về chiến trường xưa. Đây là một chiến lược rất lớn của tỉnh Quảng Trị", Phó Chủ tịch Hoàng Nam thông tin.

Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức vào tháng 7 là mùa tri ân và tôn vinh giá trị hòa bình trên "vùng đất lửa" Quảng Trị. Vào tháng 7 hằng năm, dòng người từ mọi miền Tổ quốc lại về với Quảng Trị, vùng đất gánh chịu nhiều đau thương, mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt của chiến tranh để tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất non sông.

Bộ nhận diện Lễ hội Vì Hòa bình 2024.
Bộ nhận diện Lễ hội Vì Hòa bình 2024.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Trường Sơn - nơi an nghỉ của gần 60.000 Anh hùng liệt sĩ trên khắp cả nước. Với gần 500 di tích lịch sử cách mạng, Quảng Trị được xem như bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam; trong đó có các hệ thống di tích gắn liền với cuộc chiến tranh vệ Tổ quốc như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 Ngày đêm năm 1972...

Theo Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã chính thức đi vào đời sống với nhiều điểm mới, thể hiện rõ tính ưu việt, mở ra những kỳ vọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Bản sắc và hội nhập

Bản sắc và hội nhập

Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất ở thượng nguồn sông Hồng, chung một mái nhà dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới theo Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ mở rộng về không gian địa lý, tăng quy mô dân số mà còn là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển từ việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Viết giữa gian bếp nhỏ

Viết giữa gian bếp nhỏ

Góc làm việc của bà không phải phòng riêng, chỉ là chiếc bàn bên căn bếp nhỏ. Trên giá sách kế bên là những cuốn sách, tài liệu cũ quý giá, những thứ mà bà đã dành nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật cũng là hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Chương trình "Vua tiếng Việt" tìm ra chủ nhân mới nhất của ngai vàng và giải thưởng lớn nhất trị giá hơn 300 triệu đồng. Chủ nhân ngai vàng giành chiến thắng trong phần thi về chủ đề Xe.

fb yt zl tw