LCĐT - Được sự tuyên truyền, hỗ trợ tập huấn của các cấp, các ngành, thời gian gần đây, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã áp dụng chuyển đổi số và công nghệ vào kinh doanh, bước đầu mang lại hiệu quả.
Hợp tác xã chế biến thực phẩm sạch Gia Phú (huyện Bảo Thắng) bắt đầu triển khai bán hàng trên các trang mạng xã hội zalo, facebook từ năm 2020. Đến năm 2021, được sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bảo Thắng, 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh của hợp tác xã đã được quảng bá thêm trên sàn thương mại điện tử Postmart.
Bà Vũ Thị Thắm, Giám đốc Hợp tác xã chế biến thực phẩm sạch Gia Phú cho biết: Cùng với giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, thời gian qua, các thành viên của hợp tác xã được tham gia lớp tập huấn của tỉnh về chuyển đổi số trong kinh doanh, trong đó tập trung vào việc truyền thông, quảng bá, ứng dụng bán hàng trên mạng. Ban đầu chỉ là bán và giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart, đến nay 5 sản phẩm của hợp tác xã gồm thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, xúc xích, giò chả, ba chỉ - lạp xường sấy gác bếp đã được bán trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Voso, Sendo. Đặc biệt, tại hợp tác xã đã có thành viên được đào tạo chuyên về khai thác bán hàng trên các trang mạng và sàn thương mại điện tử.
Sản phảm của hợp tác xã chế biến thực phẩm sạch Gia Phú được quảng bá trên các trang mạng |
Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi (huyện Bát Xát) cũng thực hiện bán hàng trên mạng và sàn thương mại điện tử gần 2 năm qua. Mỗi năm, hợp tác xã bán ra thị trường hơn 200 tấn gạo Séng cù và gần 10 nghìn lít dấm táo mèo. Ông Cao Xuân Diện, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, cách bán hàng trên giúp doanh số bán hàng của hợp tác xã tăng khoảng 20% mỗi năm. Điều này cũng nhờ sự hỗ trợ trong việc đào tạo chuyển đổi số của tỉnh về kinh doanh trên mạng và thực hiện quản lý sản phẩm đầu ra, đầu vào trên phần mềm máy tính.
Sản phẩm của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi được bán trên sàn thương mại điện tử. |
“Thời gian tới, mục tiêu của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi là mỗi năm tăng doanh số bán hàng 10 - 15%. Để làm được điều này thì việc số hóa dữ liệu sản phẩm và tăng cường kinh doanh trên các nền tảng mạng sẽ được ưu tiên”, ông Diện cho biết thêm.
Theo thông tin từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 50/265 hợp tác xã tham gia chuyển đổi số bằng thực hiện quảng bá và bán sản phẩm trên các trang mạng và sàn thương mại điện tử, trong đó có 95 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh được bán ra.
Ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm Liên minh Hợp tác xã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức khoảng 6 lớp tập huấn về chuyển đổi số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nội dung chủ yếu là truyền thông, quảng bá và hướng dẫn kinh doanh trên mạng; số hóa việc xây dựng nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cá nhân, tập thể; đăng ký chỉ dẫn địa lý… Mặc dù nhiều hợp tác xã đã bắt đầu quen với việc chuyển đổi số nhưng cũng có không ít hợp tác xã chưa mạnh dạn bắt kịp xu thế kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội hoặc ứng dụng công nghệ, thiết bị thông minh trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Để tiếp tục giúp đỡ các hợp tác xã chuyển đổi số, Liên minh Hợp tác xã đang xây dựng các đề án theo Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ các hợp tác xã phát triển và ứng dụng công nghệ cao, áp dụng số hóa vào sản xuất, kinh doanh và việc sản xuất sẽ được thực hiện theo chuỗi, trong mỗi chuỗi sẽ áp dụng công nghệ hiện đại từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản…
Tháng 11/2022, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, sẽ hỗ trợ xây dựng tài liệu, công cụ, hệ thống quản lý chương trình, triển khai các gói hỗ trợ chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, cung cấp dịch vụ số, với mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 50% hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mỗi năm có 20 - 30 hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa điển hình, làm mẫu để nhân rộng về chuyển đổi số.