Quan hệ Nhật Bản - ASEAN hướng tới vị thế đồng sáng tạo

Theo chuyên trang phân tích East Asia Forum, đã có sự chuyển đổi đáng chú ý trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN trong 50 năm qua.

Vào những năm 1970, một số người dân khu vực Đông Nam Á từng không ưa chuộng các sản phẩm Nhật Bản. Ngày nay, Nhật Bản là một trong những cường quốc đáng tin cậy và quen thuộc đối với cả giới lãnh đạo và người dân ở các nước ASEAN, theo khảo sát hàng năm về "Tình hình Đông Nam Á" do Viện ISEAS-Yusof Ishak thực hiện từ năm 2019 đến năm 2023.

Nền tảng kết nối mạnh mẽ Nhật Bản - Đông Nam Á

Hiện nay, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á có một nền tảng sâu sắc về kinh doanh và các mối quan hệ giao lưu nhân dân, kết nối xã hội và văn hóa được xây dựng trên sự hợp tác mạnh mẽ về kinh tế.

Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân Đông Nam Á thông qua trao đổi văn hóa, hỗ trợ phát triển chính thức, đầu tư trực tiếp nước ngoài và quyền lực mềm. Điều này được phản ánh rõ ràng sau trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011. Nhiều nước ASEAN đã tổ chức các chiến dịch quyên góp ủng hộ Nhật Bản. Sự ủng hộ của đông đảo người dân, ngay cả ở các khu vực nghèo tại Bangkok, Manila và Jakarta, cũng cho thấy sự đáp lại thiện chí của các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản đã đóng góp cho cộng đồng Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ.

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, vào năm 2023, khách du lịch Đông Nam Á chiếm 1/4 trong số 1,3 triệu khách du lịch quay trở lại Nhật Bản kể từ khi đại dịch COVID-19 dịu bớt. Và dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Nhật Bản - ASEAN mang đến cơ hội mới xây dựng mối quan hệ hiện có giữa hai bên thông qua "vị thế đồng sáng tạo". Chiến lược hợp tác này liên quan đến việc kết nối chặt chẽ hơn nhằm hòa trộn các yếu tố và lợi ích về xã hội và văn hóa. Trong lĩnh vực ngoại giao mềm, các ngành văn hóa như ẩm thực, văn hóa đại chúng và du lịch là những lĩnh vực có tiềm năng rõ ràng.

Lễ hội Nhật Bản Bon Odori diễn ra tại Shah Alam, Selangor, Malaysia ngày 16/2022.

Sự tương tác giữa các nền ẩm thực đang trở thành một lĩnh vực mới của giao lưu, phát triển văn hóa. Bát mỳ thịt bò Nhật Bản được bản địa hóa với các loại gia vị và rau thơm Thái Lan, trong khi một số cửa hàng cơm gà Thái Lan đã được mở tại Nhật Bản. Vào năm 2022, có hơn 5000 nhà hàng Nhật Bản ở Thái Lan, nhiều nhà hàng trong số đó thuộc sở hữu của dân địa phương. Đây là hiện tượng cũng diễn ra tại nhiều nước Đông Nam Á. Khi ẩm thực Đông Nam Á ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu, sẽ có cơ hội cho việc cả hai bên đồng sáng tạo, kết hợp ẩm thực Nhật Bản - Đông Nam Á và đưa sang các nước khác trên thế giới.

Văn hóa đại chúng Nhật Bản, như truyện tranh và karaoke, cũng đã lan rộng khắp Đông Nam Á một cách nhanh chóng. Trên thực tế, đã có nhiều công dân ASEAN giành được các giải thưởng Manga Nhật Bản và nhiều người trong số họ phát triển trong ngành công nghiệp truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản. Đây là một minh chứng cho sự đồng sáng tạo nghệ thuật giữa người dân Nhật Bản và Đông Nam Á.

Văn hóa, du lịch đại chúng là những kênh hợp tác quan trọng

Với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản cần tập trung vào việc quảng bá sức hấp dẫn của văn hóa đại chúng. Phim điện ảnh, phim truyền hình và các nhóm nhạc Nhật Bản thường chỉ có diễn viên nội địa và chủ yếu phục vụ khán giả trong nước. Văn hóa đại chúng Nhật Bản cần hướng đến sự đa dạng bằng cách kết hợp các yếu tố Đông Nam Á, thông qua các bộ phim và tác phẩm truyền hình đồng sản xuất hoặc các nhóm nhạc nam và nữ bao gồm các nghệ sĩ biểu diễn thuộc các quốc tịch khác nhau.

Những nhóm tương tự của các quốc gia khác đã thu hút được sự phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Do vậy, khi các sản phẩm hợp tác trong ngành công nghiệp nội dung và văn hóa đại chúng mạnh mẽ của Nhật Bản có sự hợp tác với Đông Nam Á, bước tiến này có thể đưa các ngành công nghiệp và văn hóa phụ trợ ở cả Nhật Bản và Đông Nam Á vươn ra tầm thế giới.

Còn một lĩnh vực nữa mang lại sự hợp tác về sáng tạo giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á là du lịch. Nhật Bản đã thành công trong việc phát triển các điểm đến du lịch ở nhiều khu vực khác nhau, du lịch giờ đây không còn chỉ giới hạn ở các thành phố lớn. Chính quyền và các cộng đồng địa phương Nhật Bản có xu hướng cung cấp toàn diện các dịch vụ, bao gồm thực phẩm, sản phẩm địa phương, đồ lưu niệm và kết nối với du khách. Học hỏi từ dự án "một ngôi làng, một sản phẩm" của tỉnh Oita, Nhật Bản, Thái Lan đã phát triển nhiều dự án tương tự trong hai thập kỷ qua. Dự án này hỗ trợ mỗi khu vực nông thôn phát triển một sản phẩm hoặc thực phẩm chuyên biệt thông qua việc cung cấp vốn, bí quyết và kênh tiếp thị.

Kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho các nước ASEAN mong muốn thúc đẩy ngành du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch đến các điểm đến không phải là thành phố lớn. Khách du lịch Nhật Bản cũng là một thành phần quan trọng của thị trường du lịch tại ASEAN và khách du lịch ASEAN cũng chiếm thị phần ngày càng lớn tại Nhật Bản. Cả hai bên đều có những ưu đãi để cùng mở ra các tuyến du lịch phù hợp với thị hiếu của nhau trong việc phát triển du lịch khu vực.

Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản, Tokyo cũng có thể đẩy mạnh chính sách ngoại giao mềm để vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác thông thường và hướng tới đồng sáng tạo với khu vực ASEAN. Các nước Đông Nam Á đã phát triển đáng kể và không chỉ đóng vai trò là thị trường của Nhật Bản mà còn là đối tác trong nhiều khía cạnh kinh tế xã hội khác nhau. Ẩm thực, văn hóa đại chúng và du lịch đại diện cho những lĩnh vực đầy hứa hẹn để cùng sáng tạo. Hợp tác và cùng nhau phát triển một cách sáng tạo sẽ giúp Nhật Bản và ASEAN tiếp tục mối quan hệ lành mạnh, góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định trong khu vực.

Báo Tổ quốc

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Động đất tại Myanmar: Thái Lan bắt đầu bồi thường cho các nạn nhân

Động đất tại Myanmar: Thái Lan bắt đầu bồi thường cho các nạn nhân

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Nội vụ Thái Lan sẽ bắt đầu phân phối khoản bồi thường 100.000 baht (gần 3.000 USD) cho mỗi nạn nhân của vụ sập tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) ở quận Chatuchak ở thủ đô Bangkok, trong trận động đất xảy ra hồi cuối tháng trước. Đợt giải ngân đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 18/4.

Hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch

Hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch

Trải qua hơn ba năm đàm phán với nhiều chông gai, các thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đạt thỏa thuận “về nguyên tắc” cho một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch trong tương lai vào ngày 12/4 vừa qua. Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với y tế toàn cầu, bởi sự hỗn loạn do đại dịch Covid-19 trong quá khứ đã chứng minh tầm quan trọng của việc đoàn kết và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản.

Báo chí Trung Quốc viết về câu chuyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Việt Nam

Báo chí Trung Quốc viết về câu chuyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Việt Nam

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, báo chí nước này đã tuyên truyền đậm nét, làm nổi bật "ý nghĩa trọng đại" của chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2025, cũng như những câu chuyện, kỷ niệm của nhà lãnh đạo với đất nước và con người Việt Nam.

fb yt zl tw