Phụ nữ châu Á nằm trong nhóm các nước có tỉ suất sinh thấp nhất thế giới

Số trẻ em mới sinh giảm, gây ra tình trạng già hóa dân số và kéo theo nhiều hệ lụy. Các quốc gia châu Á đang tìm đủ mọi cách để khuyến khích phụ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nguyên nhân khiến người trẻ tại nhiều quốc gia châu Á sinh ít con, thậm chí không sinh con là do họ khó có đủ tiền để nuôi một đứa trẻ. Mới mấy ngày trước, Viện Nghiên cứu dân số tại Bắc Kinh (Trung Quốc) công bố bảng xếp hạng các quốc gia có chi phí nuôi con cao nhất thế giới, trong đó Hàn Quốc đứng đầu danh sách, tiếp theo là Trung Quốc.

Nghiên cứu cho biết, chi phí nuôi dạy một trẻ đến tuổi 18 của Hàn Quốc cao gấp 7,7 lần so với mức thu nhập bình quân trên đầu người, đây là mức cao nhất trên thế giới. Trung Quốc đứng thứ hai với chi phí cao gấp 6,9 lần, tiếp đó mới là Đức, Australia và Pháp.

Các khảo sát tại Hàn Quốc cho thấy, chi phí chăm sóc trẻ đắt đỏ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến ý muốn có con của giới trẻ.

"Hôn nhân hai đầu" tại Trung Quốc

Chi phí nuôi con cao khiến tỷ suất sinh của phụ nữ tại Hàn Quốc giảm mạnh. Tỷ suất sinh là chỉ số cho thấy số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến sẽ sinh trong đời. Bản đồ thống kê tỷ suất sinh toàn cầu, dữ liệu đến năm 2020, của Ngân hàng thế giới cho thấy, màu xanh càng đậm thì nơi đó phụ nữ sinh có xu hướng sinh càng ít con.

Dải màu ngả về hồng có nghĩa là phụ nữ quốc gia đó sinh nhiều con. Có thể thấy màu xanh ở khu vực Đông Bắc Á rất đậm. Tỷ suất sinh ở Hàn Quốc là thấp nhất thế giới, chỉ là 0,8, Trung Quốc là 1,3 - thấp hơn đáng kể các nước châu Âu như Pháp (1,8), Đan Mạch (1,7) và thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu là 1,5.

So sánh với phụ nữ khu vực Bắc Mỹ thì phụ nữ Đông Bắc Á cũng sinh ít con hơn đáng kể. Tỷ suất của Mỹ là 1,6 và Canada là 1,4. Hiện nay trên thế giới chỉ còn khu vực châu Phi là có tỷ suất sinh tương đối cao, có những khu vực mà một phụ nữ vẫn sẽ sinh 5-7 con trong cuộc đời của mình.

Quay trở lại với châu Á, điểm chung của các quốc gia có tỉ lệ sinh thấp là chi phí sinh hoạt, chi phí nhà ở trên thu nhập quá cao. Cấu trúc kinh tế, môi trường tác động đến hành vi của xã hội. Nếu người trẻ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, có chốn an cư thì việc kết hôn và sinh con sẽ đến tự nhiên. Khi an sinh xã hội tốt thì thúc đẩy con người tìm thấy niềm vui từ việc có con.

Ở Trung Quốc, từ khi chính sách 1 con được gỡ bỏ thì có một hình thức hôn nhân mới giúp giảm áp lực kinh tế cho các cặp đôi và đóng góp tăng tỷ lệ sinh. Xu hướng này gọi là "Lưỡng đầu hôn" tức "Hôn nhân hai đầu". Các cặp vợ chồng sẽ sinh hai con, đứa đầu tiên sẽ mang họ cha - về sống với nhà nội, đứa trẻ thứ hai mang họ mẹ - về sống với nhà ngoại. Hình thức kết hôn mang lại sự bình đẳng về trách nhiệm và quyền lợi cho cả vợ và chồng.

Theo truyền thông Trung Quốc, những năm gần đây, hình thức hôn nhân hai đầu đã xuất hiện ở một số vùng nông thôn nước này. Với hôn nhân hai đầu, một cặp vợ chồng thường sinh 2 con, một con theo họ bố và chủ yếu do gia đình bên nội nuôi dưỡng, con còn lại lấy họ mẹ và do bên ngoại nuôi dưỡng.

Các cặp vợ chồng trẻ hiện nay ở Trung Quốc hầu như đều là con một, có những người chọn ở với bố mẹ sau khi kết hôn. Chồng ở với bố mẹ chồng, vợ ở với bố mẹ vợ để chia sẻ gánh nặng nuôi dạy con cái và nối dõi tông đường cho cả hai bên.

Các nhà xã hội học lý giải rằng, hôn nhân kiểu mới là do nhịp sống hiện đại phát triển nhanh. Các cặp vợ chồng trẻ không còn sức lực và thời gian để chăm sóc con cái mà phải dựa vào cha mẹ. Tuy nhiên, hình thức hôn nhân hai đầu cũng có những điểm tích cực và tiêu cực.

Tích cực là giảm bớt gánh nặng sính lễ và hồi môn, cũng như áp lực tinh thần khi người vợ sống với gia đình nhà chồng và người chồng sống với gia đình nhà vợ. Nhưng khía cạnh tiêu cực có thể kể đến bao gồm, thiếu sự gắn bó của gia đình hạt nhân, đôi khi xảy ra mâu thuẫn như thời gian lưu trú không được phân bổ đồng đều giữa hai bên, thậm chí gây ảnh hưởng đến con cái, khiến các con khó hòa nhập với gia đình hơn.

Liệu hình thức hôn nhân hai ngả này có nhân rộng tại Trung Quốc hay không, các chuyên gia cũng có quan điểm trái chiều. Nhưng tựu chung lại, họ đều cho rằng, đây là hệ quả của một nhịp sống hiện đại và thuộc quyền quyết định của các cặp vợ chồng.

Hàn Quốc tăng hỗ trợ thúc đẩy sinh con

Ý thức được vấn đề cải thiện an sinh xã hội, Hàn Quốc đã chú trọng hỗ trợ điều kiện sống tốt hơn cho các cặp đôi như tăng thời gian nghỉ thai sản, tăng số ngày nghỉ chăm trẻ khi cần thiết và trực tiếp hỗ trợ giúp mang lại niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Một phụ nữ 42 tuổi đã điều trị vô sinh 5 năm nay, ngay cả khi được chính phủ trợ cấp, cô vẫn phải trả hơn 2 triệu won (tương đương hơn 35 triệu VNĐ) cho mỗi lần thực hiện thủ thuật.

Cô cho biết: "Nỗi sợ lớn nhất của tôi là chi phí ngày càng tăng khi phải lặp đi lặp lại các thủ thuật. Tôi không đủ khả năng để điều trị liên tục".

Thành phố Seoul có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước, chính quyền thành phố muốn thúc đẩy tỷ lệ sinh bằng cách hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn. Các cặp đôi có 22 lần tự do lựa chọn các biện pháp điều trị vô sinh.

Ông Oh Se-hoon - Thị trưởng Seoul, Hàn Quốc: "Cứ 10 em bé thì có một em được sinh ra sau khi điều trị vô sinh. Chúng tôi quyết định tăng các chương trình trợ cấp và giúp đỡ những người muốn có con. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ 2 triệu won cho những phụ nữ muốn đông lạnh trứng trước, để họ có thể có lựa chọn sinh con khỏe mạnh sau này".

Chương trình trợ cấp mới chủ yếu hướng tới phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40, nhưng ngay cả phụ nữ ở độ tuổi 20 cũng đủ điều kiện nếu họ có khả năng bị mãn kinh sớm do bệnh lý. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng sinh đôi, sinh ba cũng được đăng ký chương trình bảo hiểm miễn phí dành cho con cái.

Giáo sư Hur Yun-jung - Trung tâm hỗ trợ sinh sản Đại học Cha, Pocheon, Hàn Quốc: "Các cặp vợ chồng hiếm muộn căng thẳng vì không thể có thời gian nghỉ ngơi bên nhau. Hy vọng môi trường xã hội sẽ thay đổi để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp".

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có dân số giảm nhanh nhất thế giới. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, với tỷ lệ sinh hiện tại thì đến năm 2100, dân số nước này được dự đoán sẽ giảm tới hơn 50%. Giới chức Hàn Quốc mong muốn tăng những khoản hỗ trợ, giảm gánh nặng chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình đón thêm thành viên mới.

Nhật Bản triển khai biện pháp tăng tỷ lệ sinh

Quốc gia nổi tiếng có tỷ suất sinh thấp là Nhật Bản cũng đang triển khai các biện pháp chưa từng có nhằm thay đổi xu hướng giảm dân số hiện nay. Vào tháng 4 vừa qua, Nhật Bản đã thành lập cơ quan trẻ em và gia đình, nhà chức trách nước này cam kết tăng gấp đôi trợ cấp cho trẻ em. Đây là nỗ lực của Nhật Bản nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình khi sinh con và chăm sóc con nhỏ.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ khuyến khích sinh đẻ nhằm chặn đứng nguy cơ sụt giảm dân số trong những năm tới ở Nhật Bản. Nước này cũng đang nghiên cứu những chính sách đối với hộ gia đình của các nước có tỷ lệ sinh cao như Thụy Điển để áp dụng nhằm tăng tỷ lệ sinh. Theo các quan chức của Chính phủ Nhật Bản, thập kỷ này sẽ là thập kỷ quan trọng để Nhật Bản có thể đảo ngược xu hướng giảm sinh hiện nay.

Nhiều chuyên gia dân số đã chia sẻ rằng, trong xã hội hiện đại, làm sao để khuyến khích người dân sinh thêm con được coi là "bài toán khó vô cùng". Tỷ suất sinh thấp phản ánh nhu cầu của con người hiện đại, khi chúng ta ngày càng mong muốn có một cuộc sống chất lượng hơn, dành cho thời gian cho bản thân mình hơn.

Để giải quyết bài toán nâng tỉ suất sinh phụ thuộc chính vẫn là ở việc cải thiện mức sống cho người dân, song song với đó là giúp người dân hiểu đúng, đủ về lợi thế mang lại từ chủ trương sinh hai con. Giúp nguồn lực lao động duy trì bền vững, thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế và từ đó quay trở lại, có nguồn lực tiếp tục nâng cao an sinh xã hội.

VTV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

fb yt zl tw