Phó bí thư người Mông trên đỉnh Si Ma Cai

9 tuổi mới được đến trường, những đứa trẻ người Mông khó nghèo trên đỉnh Si Ma Cai được đi học như phó bí thư Páo là cả một hành trình nỗ lực.

Gắn bó với thôn Lù Dì Sán, phó bí thư Sán Chải mang “quân hàm xanh” Thào Phù Páo thường xuyên đến với bà con dân bản để gần dân, hiểu dân hơn.

Mặt trời vừa trốn sau núi, thiếu tá Thào Phù Páo - phó bí thư xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) - khoác lên mình bộ quân phục, leo lên chiếc xe máy để xuống bản. Anh cán bộ trẻ được giao nhiệm vụ phụ trách bản xa xôi nhất - Lù Dì Sán, cách trung tâm xã gần 15km.

Cứ vài hôm anh phó bí thư trẻ lại đến bản một lần. Dân bản kể ngày Páo mới đến bản, đường bê tông chưa có, điện chưa có, dân bản khổ lắm! Đến giờ đường sá sạch đẹp, trẻ con được đi học cái chữ, bà con đi cái xe máy cũng không phải cuốn xích vào bánh xe như trước kia nữa.

Đổi thay ở thôn "3 không"

Lù Dì Sán từng là bản khó khăn nhất của xã Sán Chải. Bản nằm bên triền núi, sát biên giới với Trung Quốc. Bộ đội gọi bản này là bản "3 không" - không đường, không điện, không nước sạch.

Ngày trước dân bản chỉ trồng được một vụ ngô, canh tác vài mảnh ruộng, do đó họ thường rủ nhau vượt biên sang Trung Quốc làm thuê.

Thào Seo Hồ, người bản Lù Dì Sán, lắc đầu kể ngày xưa dân bản nghèo, không biết cái chữ, không có cái bóng điện sáng. Trai gái vừa mới thích nhau đã kéo về làm vợ, rồi đẻ sòn sòn. Cái ngô trên nương không đủ nuôi con, trong nhà có con trâu con lợn cũng bán hết. Người ốm chỉ mời thầy mo về cúng chứ không cho đi trạm xá.

Bây giờ về Lù Dì Sán, đường bê tông đến tận cổng nhà. Dọc đường có đèn năng lượng mặt trời, trời tối đèn tự sáng. Dân bản mừng lắm, đi làm nương về muộn chẳng lo trượt bánh xe xuống vực. Có điện năng lượng mặt trời là nhờ cán bộ Páo đi vận động các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ.

Trên đỉnh Si Ma Cai, bà con cũng thường đối diện với tình trạng thiếu nước sạch do điều kiện khí hậu tự nhiên ở vùng núi cao.

Thấy dân bản phải mang can nhựa đi lấy nước ở xa, nhưng có nhà lại để nước chảy lãng phí suốt ngày, anh Páo lại họp dân bàn nhau cách tiết kiệm nước. Nhà nào có việc thì dùng nhiều, không dùng thì nhường nhà khác.

Anh cũng chỉ dân cách xây bể, tích nước, mùa rét không phải đi lấy từng can nước về nhà nữa.

"Chú Páo làm công tác ở đây thế là tốt, phục vụ cho thôn mình, vận động cho thôn mình. Chú Páo dặn anh em thôn mình làm cái gì cũng phải vệ sinh sạch sẽ để không mang lại bệnh tật" - Thào Seo Hồ nhận xét về anh bộ đội biên phòng làm phó bí thư xã.

Nhớ lại vào tháng 10-2017, thiếu tá Páo là cán bộ Đồn biên phòng Si Ma Cai được giới thiệu tăng cường giữ chức danh phó bí thư Đảng ủy xã Sán Chải, phụ trách công tác tuyên vận (tuyên giáo - dân vận), dân tộc tôn giáo trên địa bàn xã.

Được phân công phụ trách trực tiếp thôn Lù Dì Sán, cùng chung tiếng nói, chung dân tộc với đồng bào Mông, anh Páo có nhiều thuận lợi trong giao tiếp và thấu hiểu những suy nghĩ, trăn trở của bà con.

"Khi về đây, tôi nhận thấy bà con cần phải có thay đổi về mặt nhận thức, để bà con hiểu được họ cần phải làm gì để thay đổi cuộc sống chứ không chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa. Muốn có một cuộc sống tốt, bản thân mình phải tự thay đổi trước" - anh Páo nghĩ.

Để giúp bà con, anh cùng chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách nghĩ cách làm cũng như thay đổi tập quán, thói quen trong cách sinh hoạt.

Quen thuộc từng đường đi lối lại ở mảnh đất biên cương, anh Páo thường xuyên xuống bản, vào từng nhà để vận động, hướng dẫn bà con canh tác, chăn nuôi gia súc và thay đổi cả thói quen sinh hoạt, vệ sinh môi trường hằng ngày.

Đặc biệt thay đổi trong cách giáo dục con cái, vận động người dân đưa đón con em đến trường để không bị thiệt thòi.

Đổi thay ở thôn “3 không” Lù Dì Sán là điểm sáng trên đỉnh Si Ma Cai, nhờ vậy cuộc sống của bà con và trẻ em người Mông đã có nhiều đổi thay tích cực.

Gần dân để hiểu dân

Năm 2010, Bộ Quốc phòng có chủ trương lựa chọn 50 học viên tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 đang cư trú ở các tỉnh biên giới về công tác ở bộ đội biên phòng.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Lào Cai, gắn bó với từng tấc đất biên thùy đã nuôi dưỡng tình yêu trong trái tim người sĩ quan trẻ. Tốt nghiệp ra trường, anh quyết tâm viết đơn về công tác tại lực lượng biên phòng để góp sức mình vào tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Trước khi được phân về công tác tại Đồn biên phòng Si Ma Cai, anh đã có thời gian gắn bó tại Đồn biên phòng Tả Gia Khâu.

Là người lính "quân hàm xanh" với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác dân vận đã mang lại cho anh Páo thuận lợi trong việc nắm địa bàn để gần dân, lắng nghe, hiểu dân và giúp đỡ bà con dân bản.

Để làm tốt nhiệm vụ, bên cạnh củng cố các kiến thức về biên phòng, anh còn phải học hỏi thêm nhiều nội dung mới về quản lý nhà nước, các văn bản, chỉ thị, nghị quyết...

Nhưng khó nhất là làm sao để các chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống, để bà con nhân dân hiểu và thực hiện đúng các nội dung đó.

Mỗi lần xuống địa bàn không phải cứ mang nghị quyết ra tuyên truyền, mà anh Páo nói trên tinh thần của nghị quyết, mỗi cán bộ phải hiểu và tuyên truyền như thế nào để bà con hiểu được và thực hiện, có như thế mới đưa nghị quyết vào cuộc sống được.

"Phải nói làm sao để bà con hiểu được ý nghĩa, giá trị và tinh thần của nghị quyết. Nhưng muốn làm được điều đó, phải tìm tòi, nghiên cứu, gắn với những thực tế cuộc sống trên địa bàn để tuyên truyền vừa tập trung, vừa riêng biệt, thông qua các ví dụ chứng minh cụ thể.

Từ các nội dung đó, phải tìm hiểu góc độ phiên dịch sang tiếng Mông để bà con hiểu được, cố gắng thực hiện hiệu quả nhất" - anh nói.

Hơn 6 năm trên vai cùng đảm nhận hai nhiệm vụ, nhưng thiếu tá Páo không quản ngại khó khăn, nỗ lực cùng với chính quyền địa phương mang đến những điểm sáng đổi thay ở thôn "3 không". Ngày ngày, anh vẫn lặn lội đường xa trên chiếc xe máy đến thăm bà con dân bản.

Trên tuyến đường biên được thắp sáng, thấy bóng dáng "chú Páo mang quân hàm xanh" ai cũng hồ hởi hỏi thăm, tươi cười vẫy chào và mời anh đến chơi nhà, cùng bà con ăn bữa cơm tối ấm áp những ngày cận Tết.

Đặt tên con là Biên Cương, Biên Thùy

Hơn 14 năm mang trên mình "quân hàm xanh", thiếu tá Thào Phù Páo luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của người lính biên phòng, không chỉ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia mà còn giúp đỡ người dân vùng biên phát triển kinh tế - xã hội.

Từng tấc đất biên cương như thấm vào máu thịt, khi sinh con, hai vợ chồng anh Páo quyết định đặt tên hai người con là Biên Cương, Biên Thùy với mong mỏi những mầm non tương lai ấy sẽ vươn lên thành cây, cùng chung tay bảo vệ dải đất biên cương mãi xanh tươi bền vững.

Nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn

Từ ngày được bộ đội biên phòng cũng như chính quyền địa phương vận động, hiện tượng tảo hôn ở Lù Dì Sán đã giảm đáng kể, những năm gần đây không xảy ra trường hợp tảo hôn nữa.

Anh Páo cho biết với các trường hợp có ý định "bắt vợ" sớm, chính quyền sẽ nắm bắt và gặp gỡ, vận động để kịp thời ngăn chặn để nam nữ thanh niên có nhận thức đúng đắn và có hiểu biết về kiến thức pháp luật.

Ngày ấy, con trai trong bản cái giọng nói hơi ồm ồm đã được bố mẹ hỏi vợ cho. Con gái cái ngực mới nhú đã bị kéo về làm dâu nhà khác.

Thào Thị X. chưa đủ 16 tuổi đã để cho một cậu choai choai xã bên bắt về làm vợ. Làm dâu người ta rồi X. mới thấm cái cảnh nghèo. Cơm không đủ ăn, cái áo không đủ ấm, anh chồng chưa hết tuổi ăn tuổi chơi, chẳng biết làm ăn, vậy là X. bỏ về nhà mẹ đẻ.

Biết chuyện, anh Páo đến tận nhà khuyên bảo, động viên X. đợi đủ lớn, đủ khôn, đủ tuổi kết hôn mới chọn chồng.

"Được nghe chú Páo nói chuyện", cô thiếu nữ người Mông đã phần nào hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình. Cô nói sẽ đợi đến khi đủ tuổi, chuẩn bị sẵn sàng tâm sinh lý, kiến thức mới kết hôn và sinh con đẻ cái.

Báo Tuổi trẻ

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Sáng nay (21/11), Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức lễ khởi động dự án: ''Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam''.

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy. Trong đó, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, 13 năm làm công tác quản lý, trong đó 6 năm đảm nhiệm vai trò hiệu phó và 7 năm làm hiệu trưởng, dù ở cương vị nào, cô Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cũng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bằng sự nhạy bén và chuyên môn vững vàng, cô Hường đã xây dựng một tập thể đoàn kết, kiến tạo môi trường giáo dục và học tập hạnh phúc.

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

fbytzltw