Phim Việt và dấu ấn của sự dung hòa

Đã không còn câu chuyện phim truyền hình, điện ảnh vùng nào chỉ có diễn viên vùng miền đó tham gia. Tuy nhiên, việc dung hòa diễn xuất để tạo nên sự đồng điệu cũng đặt ra nhiều trăn trở cho các ê-kíp.

Chọn diễn viên, không chọn giọng nói

Tại buổi ra mắt bộ phim Tết ở làng Địa Ngục, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Việc chọn diễn viên 2 miền Nam, Bắc vì bản thân bộ phim cần tìm đúng nhân vật như thế. Nếu ai đã đọc tiểu thuyết sẽ thấy có những nhân vật được mô tả chính xác từ giọng nói, hình dáng cho đến ánh mắt, mái tóc. Vì đây là bộ phim chuyển thể nên tôi nghĩ việc chọn diễn viên cũng không thể làm khác đi so với tưởng tượng của khán giả”.

Tết ở làng Địa Ngục quy tụ dàn diễn viên tên tuổi ở cả 2 miền: NSƯT Hạnh Thúy, Quang Tuấn, Nguyên Thảo, Võ Tấn Phát, Huỳnh Như Đan (phía Nam) cùng các NSƯT Phú Đôn, Văn Báu, Chiều Xuân và nghệ sĩ Lan Phương, Viết Liên (phía Bắc).

Dự kiến khởi chiếu tại các rạp từ ngày 3/11, bộ phim Người vợ cuối cùng (đạo diễn Victor Vũ) cũng quy tụ dàn diễn viên 2 miền với các gương mặt: Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Nguyễn Anh Dũng…

“Tôi chủ động chọn một số diễn viên vì họ có nét diễn rất đặc thù”, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ. Đạo diễn sinh năm 1975 này cũng cho biết, anh chọn diễn viên chứ không chọn giọng nói. Theo anh, với một tác phẩm hư cấu, việc phim có diễn viên nói những giọng vùng miền khác nhau cũng là điều hoàn toàn bình thường. Và ngay từ đầu khi sáng tạo kịch bản anh đã biết dự án của mình phải có dàn diễn viên cả 2 miền.

"Người vợ cuối cùng" quy tụ nhiều gương mặt diễn viên quen thuộc 2 miền.

"Người vợ cuối cùng" quy tụ nhiều gương mặt diễn viên quen thuộc 2 miền.

Ngày càng có nhiều bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên 2 miền Nam, Bắc. Nhiều khán giả vẫn không quên màn xuất hiện đầy ấn tượng của 2 diễn viên miền Nam Quốc Trường và Ngân Quỳnh bên cạnh các diễn viên miền Bắc trong bộ phim quốc dân Về nhà đi con.

Rồi gần nhất có thể kể đến Nhà mình lạ lắm! với sự tham gia của: NSND Trung Anh, NSND Kim Xuân, Nhan Phúc Vinh, Lê Bống, MC Tuấn Tú, Lưu Huyền Trang... Mặt trời mùa đông với Đại Nghĩa, Huy Khánh, Thân Thúy Hà, NSƯT Mỹ Uyên, Hoàng Trinh, Kiều Trinh...

Dung hòa diễn xuất

Lần đầu tiên tham gia một dự án điện ảnh phía Nam, NSƯT Kim Oanh không giấu được sự lo lắng. Chị tâm sự: “Oanh khá lo ngại vì các bạn diễn trong này diễn nhẹ, còn mình hơi quá (over), có thể do bản thân được đào tạo là diễn viên sân khấu”.

Diễn viên Nguyên Thảo cũng từng hoang mang, thậm chí e ngại sẽ khó tương tác với bạn diễn. Những lo lắng ấy với các đạo diễn còn lớn hơn, đặc biệt là làm thế nào để dung hòa về mặt diễn xuất, kịch bản, lời thoại…

Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, ban đầu anh khá băn khoăn vì diễn viên mỗi miền đều có cách diễn riêng. Khi đưa ra lựa chọn này, thử thách lớn nhất với anh là làm sao dung hòa được về mặt diễn xuất để không chênh nhau hay bị khớp.

Một trong những e ngại của khán giả với những bộ phim quy tụ dàn diễn viên 2 miền đó là phần lời thoại, nhất là phim thu tiếng trực tiếp. Về phương diện này, đạo diễn Victor Vũ cho biết: “Tôi xác định phổ thông hóa lời thoại, hạn chế cổ ngữ, phong ngữ, thổ ngữ để làm sao lời thoại trong phim gần gũi, dễ nói, dễ nghe. Tôi cũng ưu tiên về diễn xuất, không muốn lồng tiếng và giữ giọng gốc của nhân vật. Theo tôi, nếu lồng tiếng sẽ mạo hiểm vì chưa chắc diễn viên sẽ diễn được đúng cảm xúc như nhân vật trên phim trường”.

Tương tự, đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng không lo ngại về phần thoại của diễn viên, bởi từ trong tiểu thuyết ngôi làng trong phim là nơi quy tụ những con người ở các vùng miền khác nhau di cư đến với những sinh hoạt, tập tục vẫn được giữ nguyên. Phim cũng thu tiếng trực tiếp gần như toàn bộ. Chỉ có một vài vai diễn nhí lúc trưởng thành là người miền Nam nhưng để phù hợp điều kiện di chuyển phải chọn diễn viên miền Bắc nên cần lồng tiếng.

Vượt lên trên tất cả, đặc biệt, nhiều bộ phim quy tụ dàn diễn viên 2 miền đã thành công, được đón nhận là minh chứng cho thấy “ranh giới vùng miền” không phải là rào cản quá lớn.

Trong Tết ở làng Địa Ngục, đạo diễn Trần Hữu Tấn nhận thấy các diễn viên hiểu nhau, hỗ trợ, giúp đỡ và tìm được tiếng nói chung về diễn xuất. Điều đó cũng được diễn viên Nguyên Thảo cảm nhận qua không khí thân mật, quen thuộc khi làm việc. NSƯT Kim Oanh cho biết cô cũng được đạo diễn Victor Vũ động viên “thiếu mới lo, thừa anh giảm xuống được”.

“Oanh quan niệm người diễn viên giống như bếp ga. Khi diễn cho đạo diễn xem, mình có thể nóng đến 2.000 độ. Đến khi mình diễn thật, đạo diễn là người nấu nướng sẽ điều lửa”, chị tâm sự.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Việc chọn diễn viên 2 miền phụ thuộc câu chuyện, tầm nhìn của đạo diễn, nhà sản xuất. Với tôi, được làm việc với diễn viên cả 2 miền là điều hạnh phúc, tự hào vì có những người là tuổi thơ của mình. Nó cũng cho thấy các tác phẩm gần đây đã đa dạng hơn về gương mặt cũng như diễn xuất, qua đó khán giả có kết nối gần gũi hơn”.

Báo Sài Gòn giải phóng

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nhìn từ hiện tượng "Bắc Bling"

Nhìn từ hiện tượng "Bắc Bling"

Hiện tượng MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy vẫn đang tiếp tục chiếm sóng trên các mạng xã hội. Có lẽ cũng lâu lắm rồi mới thấy xuất hiện một ca khúc quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống mà lại được giới chuyên môn và cộng đồng đón nhận nồng nhiệt như vậy. Ra mắt ngày 1/3, chỉ sau vài ngày MV “Bắc Bling” đã lọt top 1 Trending YouTube tại Việt Nam với 9 triệu lượt xem (tính đến ngày 4/3). Không chỉ chiếm lĩnh bảng xếp hạng YouTube, MV còn giữ vị trí số 1 trên ZingChart Realtime…

Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức liên hoan phim sinh viên quốc tế

Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức liên hoan phim sinh viên quốc tế

Liên hoan phim sinh viên quốc tế lần thứ 6 (ISMA 2025) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do Trường Đại học Văn Lang đăng cai tổ chức diễn ra từ nay đến tháng 7/2025 đã quy tụ gần 100 trường đại học đến từ 15 quốc gia trên thế giới tham dự. Sự kiện đánh dấu sự giao lưu văn hoá và sáng tạo quốc tế trong lĩnh vực truyền thông, nghệ thuật.

Phim tôn vinh bản sắc Việt "lên ngôi"

Phim tôn vinh bản sắc Việt "lên ngôi"

Ngay từ đầu năm, điện ảnh Việt Nam đã có những cú đảo chiều thú vị. Nhiều phim tôn vinh bản sắc, khai thác yếu tố văn hóa dân gian thu hút đông đảo khán giả, thậm chí gây “sốt” tại các rạp và nền tảng chiếu phim, đánh bật những tác phẩm đình đám của điện ảnh nước nhà và quốc tế.

Khi múa đương đại tìm đến yếu tố dân tộc

Khi múa đương đại tìm đến yếu tố dân tộc

Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, cũng như nhiều lĩnh vực khác, nghệ thuật múa Việt Nam cần tiếp thu hơi thở, nhịp điệu mới để phù hợp cuộc sống đương đại. Nhưng, hòa nhập đòi hỏi không được hòa tan là vấn đề cấp thiết và “chìa khóa” để giải mã vấn đề này không gì khác chính là tìm về yếu tố văn hóa, bản sắc truyền thống của cha ông. Đó là lý do nhiều tác phẩm múa đương đại Việt Nam đang lựa chọn hướng đi tích hợp giữa tính dân tộc và hiện đại.

Điểm cộng mới của phim truyền hình

Điểm cộng mới của phim truyền hình

Sau một thời gian tập trung khai thác các tình tiết tạo drama, thị phi thái quá, phim truyền hình đang có những thay đổi lớn về nội dung. Ở đó, dù vẫn là đề tài quen thuộc như gia đình, hình sự… nhưng yếu tố giải trí, hài hước, những câu chuyện nhân văn gần gũi với đời sống đã được hướng tới.

fb yt zl tw