Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Phát triển logistics để khơi thông dòng chảy hàng hóa

Phát triển logistics để khơi thông dòng chảy hàng hóa

Với vị trí, vai trò quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển logistics, góp phần thúc đẩy thương mại qua biên giới giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng và hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung ngày càng phát triển.

4.jpg

Tỉnh Lào Cai có vị trí, vai trò quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ quan trọng kết nối thị trường các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; là trung tâm của hành lang kinh tế Bắc - Nam trong hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Kông (GMS); có tiềm năng và lợi thế trong phát triển hạ tầng kinh tế cửa khẩu với hạ tầng giao thông và các dịch vụ hỗ trợ xuất - nhập khẩu ngày càng đồng bộ, hiện đại. Hiện tại, phía Việt Nam có gần 700 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu.

Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng logistics tại tỉnh Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến chi phí logistics qua tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh còn khá cao.

Theo tính toán của cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, giá vận tải hàng hóa tuyến Lào Cai - Hải Phòng hiện dao động ở mức trung bình 15 - 17 triệu đồng/container (tương đương 400 nghìn đồng/tấn hàng hóa khô); tuyến Côn Minh - Hà Khẩu khoảng 16 - 21 triệu đồng/container (tương đương khoảng 530 nghìn đồng/tấn hàng hóa khô). Do đó, giá cước vận tải hàng hóa tính từ Côn Minh đến Hải Phòng ước tính trung bình 930 nghìn đồng/tấn hàng hóa khô. Bên cạnh đó, chi phí logistics không ổn định, có sự chênh lệch lớn ở nhiều thời điểm trong năm… khiến hoạt động giao thương hàng hóa toàn tuyến tăng trưởng chậm.

2.jpg

Là doanh nghiệp đang vận hành nhiều mô hình logistics tại các cửa khẩu ở tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn, ông Nguyễn Đình Vượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SITC Bondex Việt Nam Logistics cho rằng: Chi phí logistics qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai cao so với các tỉnh khác. Về cơ sở hạ tầng, kho bãi, tại các cửa khẩu khác (Tân Thanh - Lạng Sơn; Móng Cái - Quảng Ninh) có nhiều kho bãi chuyên dụng với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ việc sang tải, bốc xếp hàng hóa. Còn tại cửa khẩu Lào Cai đang thực hiện sang tải hàng hóa (nông sản) chủ yếu theo hình thức bốc xếp thủ công nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, trang thiết bị.

"Ví dụ, chúng tôi nhập khẩu những thiết bị nặng tới 50 - 70 tấn nhưng các kho bãi của tỉnh Lào Cai chưa có máy móc chuyên dụng để sang tải những thiết bị này. Ngoài ra, các kho bãi của Lào Cai cũng chưa đáp ứng được việc đảo container giữa các xe đầu kéo Trung Quốc và Việt Nam để giảm chi phí vận tải"- ông Vượng chia sẻ thêm.

3.jpg

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Quế, Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics Việt Trung cho biết: Dịch vụ hậu cần (logistics) trong đó có kho bãi tại tỉnh Lào Cai chưa được đầu tư bài bản như một số địa phương khác mà đang dừng ở mức quy hoạch. Chúng tôi rất muốn đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động xuất - nhập khẩu, giao thương nhưng vẫn đắn đo vì chính sách xuất - nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên.

Lấy ví dụ về việc thông quan hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Quế cho rằng hiện nay thương mại điện tử là xu thế tất yếu và còn dư địa rất lớn để phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, các mặt hàng của hình thức thương mại này hiện chưa thông quan được qua cửa khẩu của Lào Cai nên doanh nghiệp không dám đầu tư hạ tầng hiện đại. Nếu gỡ được nút thắt về thương mại điện tử xuyên biên giới này chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư Việt Nam và cả phía Trung Quốc sẵn sàng đầu tư, phát triển hạ tầng logistics tại Lào Cai.

Ông Nguyễn Đình Vượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SITC Bondex Việt Nam Logistics lại cho rằng hạ tầng giao thông là điểm mấu chốt để phát triển logistics, vì vậy tỉnh Lào Cai cần phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đường sắt Lào Cai - Hải Phòng (khổ ray tiêu chuẩn 1.435 mm); đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng hàng không Sa Pa; nâng cấp tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và nâng cấp hạ tầng giao thông khu vực kinh tế cửa khẩu để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa. Ngoài ra, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi, đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực vận tải hàng hóa để phát triển logistics, góp phần thúc đẩy thương mại biên giới.

Tỉnh Lào Cai luôn cam kết đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực thông quan và chất lượng các dịch vụ logistics để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai. Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, hướng đến trở thành trung tâm giao thương, logistics quốc tế trong tương lai.

Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Xứng tầm đô thị trung tâm du lịch Bắc Hà

Mở rộng thị trấn Bắc Hà: Kiến tạo động lực phát triển cho "cao nguyên trắng" Bài 1: Xứng tầm đô thị trung tâm du lịch Bắc Hà

Theo Nghị quyết 1197/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 - 2025, từ ngày 1/11/2024, xã Tà Chải được nhập vào thị trấn Bắc Hà. Để quá trình sắp xếp, sáp nhập tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân, huyện Bắc Hà đã chỉ đạo cụ thể, sâu sát, rõ lộ trình, tiến độ, nội dung nhằm mục tiêu sắp xếp tạo bước phát triển, động lực mới cho địa phương.

fb yt zl tw