
Từ năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố nền tảng số dùng chung quốc gia, trong đó có trên 52 nền tảng số đã xây dựng xong và đưa vào khai thác, vận hành. Việc triển khai riêng lẻ các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước đã giúp các cơ quan, tổ chức từng bước số hóa quy trình làm việc.
Tuy nhiên, theo thời gian, các phần mềm này ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự thiếu liên kết và chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm khác nhau. Hiện nay, tại cấp xã, mỗi lĩnh vực lại sử dụng một phần mềm riêng theo ngành dọc, dẫn đến việc các cán bộ, công chức gặp khó khăn trong việc tổng hợp, liên thông dữ liệu.

Bên cạnh đó, việc mỗi cơ quan, đơn vị phát triển phần mềm theo nhu cầu riêng cũng dẫn đến tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Có những nghiệp vụ giống nhau nhưng lại sử dụng các phần mềm khác nhau, gây khó khăn trong việc trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị.
Không chỉ gặp khó khăn trong quản lý dữ liệu, chính quyền cấp xã cũng thiếu công cụ hỗ trợ để theo dõi, đánh giá quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Cùng với đó, việc phải cài đặt và sử dụng quá nhiều ứng dụng trên thiết bị thông minh cũng khiến người dân bối rối.
Quay lại câu chuyện tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, ông Phàn A Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong một số lĩnh vực, cấp xã không có công cụ hỗ trợ nào để quản lý, tổng hợp thông tin. Đơn cử như khi tỉnh phát động đợt tích hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế lên tài khoản định danh điện tử, chúng tôi không có số liệu chính xác về tỷ lệ người dân đã thực hiện. Khi triển khai, chúng tôi phải tổ chức tuyên truyền, yêu cầu người dân mang thẻ bảo hiểm y tế đến để kiểm tra và hỗ trợ tích hợp. Trong khi đó, một số người dân đã tích hợp nhưng không nhớ, gây lãng phí thời gian và công sức. Nếu có thể chia sẻ dữ liệu từ một nền tảng dùng chung, việc quản lý và thực hiện nhiệm vụ sẽ thuận lợi và chính xác hơn.

Thực tế này cho thấy, nếu không có một hệ thống chung để theo dõi, đánh giá, chính quyền cấp xã khó có thể đo lường chính xác mức độ chuyển đổi số tại địa phương mình. Điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp phù hợp.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính hoặc khai thác dịch vụ có liên quan để giải quyết thủ tục hành chính thì phải sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, trong khi thiết bị của họ không thể cùng lúc cài đặt nhiều phần mềm nên đã gây rất nhiều khó khăn.
Cá biệt, có phần mềm đã cũ nên xảy ra tình trạng các thông tin liên quan đều cũ, nhất là các thông tin thường xuyên thay đổi như nơi cư trú, địa giới hành chính mới, thông tin về nhân thân liên quan cá nhân, tổ chức...

Để giải quyết những bất cập hiện tại, Lào Cai cần hướng tới xây dựng một nền tảng dùng chung cho chính quyền số cấp xã. Một hệ thống tích hợp, liên thông giữa các lĩnh vực sẽ mang lại nhiều lợi ích. Điều đó sẽ giải quyết vấn đề về đồng bộ dữ liệu, giảm chồng chéo, thay vì sử dụng nhiều phần mềm riêng lẻ, một nền tảng chung sẽ giúp kết nối dữ liệu giữa các ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp, báo cáo và ra quyết định.
Khi dữ liệu được số hóa và cập nhật đồng bộ trên một nền tảng chung, chính quyền cấp xã có thể dễ dàng theo dõi tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, đánh giá mức độ hoàn thành và điều chỉnh chiến lược phù hợp. Cùng với đó, việc ứng dụng một hệ thống chung giúp giảm thiểu các thao tác thủ công, hạn chế sai sót và nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ, công chức.
Thế nhưng, “công cụ” để hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số tại cấp cơ sở hiện nay vẫn đang rời rạc, khả năng sử dụng các “công cụ” này cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động nhập cuộc của chính quyền địa phương, bởi đến thời điểm hiện tại vẫn không có một bộ công cụ đồng nhất giữa các địa phương cũng như chưa xây dựng được mức độ đo lường đồng bộ về hiệu năng sử dụng.

Nói về giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có quy định mới về việc Trung ương sử dụng ngân sách để đầu tư các nền tảng số, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị sử dụng, khai thác chung nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí.
Trung ương cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết trên để đồng bộ việc xây dựng và triển khai nền tảng số dùng chung đến cấp xã, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí đầu tư mà còn tạo điều kiện cho việc chia sẻ dữ liệu hiệu quả, phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công một cách linh hoạt, thuận tiện hơn.

Rõ ràng, để vượt qua rào cản hiện tại và hướng tới chính quyền số thực chất, chính quyền cấp xã cần được trao công cụ phù hợp, đồng bộ và dễ sử dụng. Khi nền tảng số dùng chung được triển khai hiệu quả, không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực, mà còn tạo nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số tại cơ sở - nơi gần dân, sát dân và phục vụ trực tiếp đời sống của người dân mỗi ngày.
Có thể nói, chuyển đổi số cấp xã không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà còn đòi hỏi một hạ tầng số đồng bộ, kết nối chặt chẽ giữa các lĩnh vực. Vậy, có cần thiết hay không việc xây dựng một nền tảng dùng chung để giúp chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả, tháo gỡ những điểm nghẽn trong quản lý dữ liệu và nâng cao chất lượng phục vụ người dân? Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này, đây sẽ là bước đi quan trọng để Lào Cai tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong thời gian tới.
