Xã Bản Phiệt có 12 thôn, trong đó duy nhất thôn Pạc Tà thuộc diện triển khai Dự án về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 8). Với sự vào cuộc tích cực của cán bộ hội cấp xã, chi hội phụ nữ, sự phối hợp của cấp ủy, các đảng viên, cán bộ cấp cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của các hội viên, Dự án 8 đã mang lại luồng sinh khí mới cho Pạc Tà.
Có mặt tại Pạc Tà vào một ngày trung tuần tháng 10 - thời điểm cánh đồng lúa nơi đây đang vào vụ gặt rộ, chúng tôi dừng chân bên một tràn ruộng gần tuyến đường liên thôn Pạc Tà - Cốc Lầy - Làng Ói, nơi có khá đông người đang gặt lúa và nói cười hết sức rôm rả. Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng ở Pạc Tà là cánh "mày râu" cũng tham gia gặt lúa cùng chị em - công việc vốn thường thấy ở phụ nữ.
Thắc mắc của chúng tôi được giải đáp vào cuối buổi khi trò chuyện với chị Phan Thị Sỉn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Pạc Tà. Chị Sỉn bảo: “Phần lớn là nhờ có Dự án 8 về bình đẳng giới. Dự án đã biến mỗi hội viên phụ nữ thành một tuyên truyền viên vận động chính người thân của mình thay đổi, bắt đầu từ việc trong nhà, sau là việc trên đồng, trên nương, việc làng, việc nước. Giờ đây, chị em chúng tôi nhắc nhau là không có việc gì chỉ dành cho phụ nữ và đàn ông không chỉ làm việc nặng mà việc nhẹ cũng phải xúm vào với chị em”.
Ông Trang Văn Quân, Trưởng thôn Pạc Tà cho hay: Thôn có 140 hộ, trong đó có 45 hộ đồng bào Giáy, 28 hộ đồng bào Dao, 30 hộ đồng bào Mông, còn lại là hộ người Kinh và một số dân tộc ít người khác. Nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí, nhận thức xã hội có phần bó hẹp, hạn chế, có người bị lối suy nghĩ cổ hủ “ăn sâu, bám rễ” nhưng Dự án 8 đã có những tác động nhất định và tạo ra thay đổi bất ngờ. Một trong những tiến bộ nổi bật là việc phát huy vai trò, quyền năng kinh tế của người phụ nữ trong gia đình, đây cũng là một trong những nội dung Dự án 8 triển khai trong thời gian qua tại Pạc Tà.
Tiêu biểu là chị Đặng Thị Nhung - đại diện cho thế hệ trẻ tuổi, năng động trong phát triển kinh tế. Bà Lê Thị Nguyệt - mẹ chồng của chị Nhung có mô hình chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa lợn với sản lượng 20 - 30 tấn. Nhận thấy việc nuôi lợn có chi phí đầu vào phần lớn là cám công nghiệp nên chị Nhung nảy ra ý tưởng nấu rượu lấy bỗng thay thế một phần thức ăn chăn nuôi. Việc tính toán của chị Nhung rất kỹ lưỡng, chi tiết nên đã thuyết phục được chồng hưởng ứng, mẹ chồng đồng tình. Đến nay, mô hình nấu rượu của chị Nhung kết hợp với mô hình nuôi lợn của bà Nguyệt đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Chị Nhung cho biết, hiện mỗi ngày gia đình chị nấu 100 lít rượu, tương ứng với 1 tạ gạo, cho nguồn phụ phẩm khoảng 150 kg bỗng rượu giúp bà Nguyệt hạn chế lượng lớn khẩu phần cám công nghiệp. Trung bình mỗi lít rượu chị Nhung bán 18 nghìn đồng, lãi khoảng 6 nghìn đồng; giá trị từ bỗng rượu khoảng 150 - 200 nghìn đồng/ngày. Đó là chưa kể nguồn lợi từ khí đốt (biogas) phục vụ sinh hoạt gia đình và sản xuất.
Một ví dụ khác là mô hình nuôi cá của chị Hoàng Thị Phúc và anh Hoàng Văn Thanh. Sẵn diện tích ao rất rộng, chị Phúc bàn với chồng cải tạo ao và nuôi cá theo mô hình bán công nghiệp. Ở trong thôn chưa mấy ai mạnh dạn đầu tư hoặc thành công nhờ nuôi cá theo mô hình này nên anh Thanh ban đầu còn nghi ngại. Vậy là chị Phúc cất công tới thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) và xã Bản Lầu (Mường Khương), nơi có nhiều mô hình nuôi cá chuyên nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, nhất là việc hạch toán chi phí đầu vào, liên kết tiêu thụ sản phẩm, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho cá... Tất cả những trang bị đó đã thuyết phục được người chồng đồng thuận đầu tư. Hiện mỗi năm mô hình nuôi cá của gia đình chị Phúc cho thu 7 - 9 tấn cá thương phẩm, tạo nguồn thu nhập khá và ổn định.
Theo Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Phan Thị Sỉn, hiện chi hội có 85 hội viên, từ khi triển khai Dự án 8, trong đó có nội dung nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ đã tạo sự thay đổi đáng kể trong đời sống, việc làm của các hội viên. Cụ thể là năm 2023 chi hội có 28 gia đình hội viên thuộc diện nghèo, cận nghèo nhưng rà soát mới đây cho thấy con số này chỉ còn 12 hộ, trong đó có 5 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo.
Ngày càng có nhiều mô hình kinh tế mới do phụ nữ làm chủ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 20 hộ hội viên phụ nữ làm chủ mô hình kinh tế thuộc diện khá và giàu. Ngoài 2 điển hình nêu trên còn có trường hợp chị Đoàn Thị Lợi, Phùng Thị Mai, Lù Thị Liên...
Cũng theo Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Pạc Tà, Dự án 8 chủ yếu là tuyên truyền, vận động, không hỗ trợ nguồn lực trực tiếp nên nỗ lực của cán bộ chi hội chỉ là điều kiện cần, để thực sự hiệu quả rất cần cấp ủy, các đảng viên và cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội khác cùng vào cuộc vận động.
Tạo sự thay đổi nhanh và đột biến ở một vùng quê nghèo như Pạc Tà là không hề dễ dàng. Do đó, những điều Dự án 8 góp phần mang lại cho nơi đây trong gần 2 năm qua thực sự rất đáng khích lệ và nhân rộng.