Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Nửa thế kỷ “giữ lửa” nghề đan gùi

Nửa thế kỷ “giữ lửa” nghề đan gùi

Hàng chục năm qua, ngoại trừ lúc ốm đau hoặc nhà có việc, mỗi phiên chợ cuối tuần thường không vắng bóng vợ chồng lão nông người Nùng với những chiếc gùi - sản phẩm thủ công đặc trưng của người dân nơi miền cao núi nhọn.

Chọn cho mình một góc nhỏ nơi chợ phiên, vợ chồng già người Nùng không vồn vã mà khiêm nhường như chính con người họ nhưng khi có người đến xem gùi, cả hai đều xởi lởi, nhiệt thành giới thiệu sản phẩm do chính mình làm ra.

Trong vai người mua gùi, tôi tìm đến nơi góc nhỏ chợ phiên, nụ cười hồn hậu tỏa ra trên gương mặt của lão ông, cùng với lời giới thiệu, tư vấn mộc mạc đậm chất người vùng cao khiến tôi và một số khách hàng bất ngờ. Do mục đích muốn tiếp cận là tìm hiểu nghề làm gùi của người Nùng nên tôi cố tình nán lại, ngắm nghía và không quên đặt ra những câu hỏi. Thay vì tỏ ra khó chịu, vẫn nụ cười hồn hậu ấy, ông bảo: Tý nữa tan chợ, mời cháu đến nhà, ông sẽ chia sẻ nhiều hơn.

z5565124917747_f1c3e706dc79ccebe9c63af197b96afd.jpg

Chợ phiên dần thưa bóng người. Tôi giúp ông bà thu dọn vài chiếc gùi chưa bán hết, rồi theo họ sải bước về Na Đẩy. Tuyến đường thôn được đổ bê tông dẫn chúng tôi đến “xưởng gùi”. Ngoài sân, những chiếc gùi được xếp ngay ngắn thành từng hàng, trong nhà, trên gác, chỗ nào cũng có gùi.

Chưa kịp ráo mồ hôi, ông Hoàng Phủ Vàng, thôn Na Đẩy, thị trấn Mường Khương đã vội xắn tay áo, cầm con dao sắc lẹm chẻ đôi cây trúc. Chỉ một thoáng, cây trúc đã được chẻ thành các thanh nan đều tăm tắp. Xong công đoạn này, lão ông ở tuổi “thất thập cổ lai hy” mới dừng tay và bộc bạch: Không phải vì đặt hàng, mà tôi muốn “trổ tài” làm gùi của người Nùng cho cháu xem.

Quả thực, cách tiếp khách của “nghệ nhân” Hoàng Phủ Vàng chẳng giống ai. Bắt đầu câu chuyện không phải bằng những lời có cánh mà bằng việc làm cụ thể, bằng một công đoạn mở màn khiến tôi háo hức muốn tìm hiểu thêm nữa. Khi tôi muốn ông chia sẻ về quy trình làm gùi thì lúc này, thay vì vội vã như lúc trước, ông lại chậm rãi pha chè mời khách, nhấp ngụm trà Shan tuyết nổi tiếng của “xứ Mường”, ông kể về nghề truyền thống đã “theo” đến nửa thế kỷ.

“Gia đình tôi có 5 đời làm nghề đan gùi trúc, do cụ tôi truyền dạy và các thế hệ tiếp nối trao truyền cho nhau đến bây giờ. Được bố truyền dạy, năm 21 tuổi, tôi biết đan gùi trúc”, ông Vàng tâm sự.

Nhìn tưởng đơn giản nhưng để có được chiếc gùi đẹp, bền chắc đòi hỏi rất nhiều công sức, thậm chí cả… máu đấy!

Ông Hoàng Phủ Vàng bộc bạch

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Vàng liền xòe hai bàn tay với chằng chịt vết sẹo đã liền theo năm tháng và bảo: Khi mới học đan gùi sẽ không thể tránh khỏi bị cật trúc, lưỡi dao cắt vào da thịt, thậm chí có những vết cắt rất sâu.

Như để chứng minh cho lời của mình, ông Vàng đưa cho tôi thanh cật trúc mà ông mới chẻ, chỉ cần chạm nhẹ vào phần cạnh là đã cảm nhận được sự sắc lạnh đến vô tình.

z5566590706862_f828294eba5edb182cfb9818f266101e.jpg

Cầm đoạn trúc dài hơn 3 m, ông Vàng cho hay: Chọn vật liệu là công đoạn đầu tiên nhưng quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Vật liệu để đan gùi là cây trúc rừng. Không giống cây trúc mà nhiều người thường làm cần câu cá, cây trúc rừng có thân tương đối to, đường kính khoảng 5 - 7 cm. Sau khi cưa sát gốc, cây trúc được róc sạch cành và lá, sau đó mang về nhà, đo khoảng 15 gang tay người lớn từ gốc, rồi cưa lấy đoạn này.

z5565124917722_7bb071fb60f91a6d00f5a057faa0d74a.jpg

Để chẻ được các thanh nan đều nhau bắt buộc phải dùng dao thật sắc, do vậy chỉ cần sơ sểnh là đứt tay. Nhìn ông thoăn thoắt chẻ từng thanh nan với bề rộng khoảng 1,5 cm, từ thanh nan đó tiếp tục chẻ thành từng sợi nan mỏng vài mm với con dao sắc lẹm, tôi càng hiểu rõ giá trị những vết sẹo chằng chịt trên đôi bàn tay gầy gò của ông Vàng.

Toàn bộ đoạn trúc dài hơn 3 m được “pha” thành các thanh nan để làm vành, cạp miệng gùi, sợi nan để đan, còn phần ngọn của cây trúc được chẻ thành các thanh làm kiềng đáy. Như vậy, cả cây trúc rừng đều được tận dụng, không bị lãng phí.

Khi có đủ nguyên liệu, ông Vàng bắt tay đan gùi ngay, bởi khi còn tươi, sợi nan sẽ dẻo, dễ đan, nếu để khô, sợi nan sẽ giòn, dễ gãy. Khi đan, bắt buộc xếp nan với 7 đôi dọc, 9 đôi ngang, nếu thiếu 1 đôi hoặc 1 nan sẽ không đan nổi. Đan xong phần đáy, các sợi nan dài hơn 3 m được “vuốt” lên và tiếp tục được đan quanh vành. Cầm 4 thanh nan được chẻ bằng nhau, ông Vàng cho hay: Các thanh nan này được chẻ đều, phần cật làm nan đan, phần còn lại làm vành. Mỗi vành được ghép bằng 4 thanh nan, tuy nhiên 2 thanh nan ngoài cùng phải vót mỏng một cạnh thì khi đan sợi nan mới khít và chặt. “Điều đặc biệt hơn cả, chỉ làm 8 vành, nếu làm 7 hay 9 vành thì sẽ không ai mua”, ông Vàng “bật mí”.

z5578503998071_1dcb2f9ce7b32d6f13ace2e3aa2ff1a3.jpg

Khi tôi hỏi: Vì sao lại như vậy? Ông Vàng cho hay: Không biết tại sao nhưng mọi người không mua nếu gùi có 7 hoặc 9 vành, có lẽ do người ta kiêng 2 con số này.

Đôi bàn tay của lão ông đã 73 tuổi cứ thoăn thoắt, uyển chuyển, chẳng mấy chốc đã đến công đoạn cuối cùng - cạp miệng gùi. Ông Vàng chọn 4 thanh nan đều nhau, xếp chồng lên rồi quấn quanh phần miệng gùi. Một tay giữ chặt, một tay “xiên” sợi nan đã được chẻ mỏng, cạo hết lớp vỏ xanh phía ngoài, theo quy luật, cứ 3 mắt lại “xiên” sợi nan cho đến khi sợi nan che kín cạp miệng.

z5578504051667_53c6ed8fd0518fca3426d5dd4b00a005.jpg

Quan sát kỹ, tôi nhận thấy, khi cạp miệng gùi, đôi tay của lão ông không mềm mại như lúc đan thân gùi mà vô cùng rắn rỏi, gân và mạch máu trên mu bàn tay nổi lên do phải kéo sợi nan cho chặt. Ngắm nghía chiếc gùi vừa làm xong, ông Vàng vô cùng hài lòng. Dù không thể nhớ được trong suốt 51 năm mình đã đan được bao nhiêu chiếc gùi, nhưng ông Vàng luôn giữ thói quen, mỗi lần đan xong, ông đều ngắm lại thành quả, bởi khi mình hài lòng thì khách hàng mới hài lòng.

Theo chia sẻ của ông Vàng, cứ 2 cây trúc rừng làm được 1 chiếc gùi. Những người có tay nghề cao và đảm nhiệm tất cả công đoạn thì 1 ngày chỉ làm được 2 chiếc gùi, chứ không thể hơn. Mỗi chiếc gùi được bán với giá 100.000 đồng (nếu có thêm dây đeo sẽ bán với giá 150.000 đồng), trừ tiền mua vật liệu (cây trúc rừng) thì có lãi từ 80.000 đến 130.000 đồng/chiếc.

Do thu nhập từ đan gùi không cao nên nhiều người ở thôn Na Đẩy đã bỏ nghề truyền thống để tìm kiếm công việc khác có thu nhập cao hơn. Hiện cả thôn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay người đang làm nghề đan gùi và đặc biệt hơn cả, họ đều ở tuổi “xưa nay hiếm”, trong đó có ông Hoàng Phủ Vàng. “Một ngày không đan gùi, cuối tuần không đi chợ phiên bán gùi là tôi thấy nhớ nghề, nhớ chợ. Cho nên, dù lấy công làm lãi thì tôi vẫn gắn bó với nghề mà cha ông đã trao truyền đến khi tay không chẻ được nan, chân không đi được đến chợ thì mới thôi”, ông Vàng bộc bạch.

Lặng lẽ, mải miết, lão nông người Nùng - Hoàng Phủ Vàng vẫn tiếp tục “giữ lửa” nghề đan gùi của dân tộc mình. Nơi góc chợ phiên Mường Khương cuối tuần sẽ không vắng những chiếc gùi của người Nùng ở Na Đẩy.

z5565124935817_137306c1abbb0ba4bebd6c1f28e1a485.jpg

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm đàn có chất lượng, làm đàn đẹp, âm sắc tốt.

Trăm năm kể chuyện nghề rèn

Trăm năm kể chuyện nghề rèn

“Cạch! Cạch!” - tiếng búa đập vào thanh sắt phát ra từ một lò rèn nhỏ nằm cuối thôn Bản Phố 2C (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà) khiến chúng tôi mường tượng về một thời hoàng kim của làng rèn Bản Phố. Dù thăng trầm của thời cuộc khiến nghề rèn dần mai một nhưng ở Bản Phố vẫn còn đó những người bám trụ với nghề, bằng cách riêng miệt mài truyền dạy cho thế hệ tương lai. Họ giữ gìn “kho tàng” câu chuyện cũng như kỹ thuật đúc rèn tồn tại cả trăm năm ở vùng cao nguyên trắng.

Độc đáo nghề làm trống nêm

Độc đáo nghề làm trống nêm

Trống nêm là loại nhạc cụ được sử dụng phổ biến trong rất nhiều nghi lễ truyền thống của cộng đồng người Dao đỏ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề làm trống nêm hiện vẫn được giữ gìn, bảo tồn và phát triển bởi các nghệ nhân ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.

Vực lại nghề trồng dâu nuôi tằm

Vực lại nghề trồng dâu nuôi tằm

Xác định trồng dâu nuôi tằm là nghề tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, huyện Bảo Yên đang quyết tâm vực lại nghề theo hướng đẩy mạnh liên kết, thu hút đầu tư cho công nghiệp chế biến để phát triển bền vững.

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát hiện vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao.

Làm mới di sản làng nghề để phát triển du lịch

Làm mới di sản làng nghề để phát triển du lịch

Thời gian gần đây ai có dịp tới Vĩnh Long không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa cổ kính, phủ màu thời gian của “vương quốc” gạch gốm đỏ soi mình bên dòng kênh Thầy Cai, sông Cổ Chiên. Những năm 1980, cả vùng có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30 km trên địa bàn các huyện Long Hồ và Mang Thít hoạt động quanh năm.

Người Tày xã Bản Hồ giữ nghề truyền thống

Người Tày xã Bản Hồ giữ nghề truyền thống

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giữ lửa nghề rèn

Giữ lửa nghề rèn

Cuộc sống đổi thay, nghề rèn đúc ở Bắc Hà cũng dần mai một, nhưng với nhiều người thì khát vọng, quyết tâm giữ lửa nghề vẫn thôi thúc từng ngày.

Người Giáy giữ nghề truyền thống

Người Giáy giữ nghề truyền thống

Tại Lào Cai, đồng bào Giáy sống rải rác ở nhiều nơi nhưng nơi tập trung đông nhất ở huyện biên giới Bát Xát. Người Giáy hiện vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa đặc trưng như trang phục cùng nghề may truyền thống tự bao đời.

fbytzltw