Trong những năm qua, Báo Yên Bái đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần bảo vệ, xây dựng cũng như phát triển nền văn hóa các dân tộc trong tỉnh tiên tiến, đậm đà bản sắc như tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng.
Dưới chuyên mục "Văn hóa và bản sắc văn hóa" đều kỳ những năm 1990 và đầu năm 2000, sau này là trên trang "Văn hóa - Xã hội" ra thứ sáu hàng tuần, tuy nhiều lần thay đổi chuyên mục, thứ tự ngày trong tuần, khuôn khổ, số trang song cách giới thiệu, cách trình bày vẫn ra mắt bạn đọc những ấn phẩm đẹp, hấp dẫn về hình thức (bổ sung ảnh minh họa, ảnh tư liệu v.v...), nghiêm túc về nội dung và cũng vừa với đối tượng là bạn đọc miền núi. Báo giúp họ tìm thấy khá đầy đủ di sản văn hóa các dân tộc, đặc biệt là lịch sử phát triển, là phong tục tập quán, lễ hội cũng như văn học - nghệ thuật cùng với những danh lam, thắng cảnh.
Tuy chưa có điều kiện thống kê và sưu tập thành nhóm dân tộc sống tại các vùng miền nhưng cũng đủ để những ai quan tâm đến dân tộc học hiểu nhiều những giá trị văn hóa truyền thống trên đất nước, quê hương và con người Yên Bái. Cũng từ đó, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ dân tộc thiểu số có thêm một địa chỉ báo chí tin cậy để gửi gắm các bài viết, sáng tác, thậm chí giãi bày tâm huyết và đồng bào các dân tộc có thêm một ấn phẩm gần gũi với cuộc sống.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang chứng kiến một thực trạng đáng lo ngại là nhiều di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang mai một hoặc bị xâm hại. Tình trạng này diễn ra cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể thì mai một của nhiều bài ca, điệu múa, lễ hội; những truyện cổ, trường ca, thành ngữ, tục ngữ mang đậm tính nhân văn.
Còn với những ngành nghề truyền thống thể hiện sức sáng tạo của cộng đồng dân tộc thì tình trạng này đã và đang diễn ra ngày càng nhanh, đó là nghề chế tác đồ bạc, đồ đồng trang sức, nghề dệt thổ cẩm; đó là kỹ thuật chế tác các dụng cụ âm nhạc như khèn Thái, pí, đàn môi, tính tẩu v.v... Đáng buồn hơn, lớp trẻ là con em các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước chăm lo cho ăn học, thành tài thì họ lại có phần"lạnh nhạt" dần với truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Từ tinh thần ấy, nghĩ đến Báo Yên Bái tuy còn hạn chế về số trang dành cho những đề tài văn hóa dân tộc cùng chất lượng bài vở, trong đó vấn đề cuộc sống truyền thống ăn, mặc, ở, giao tiếp, học hành, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số chưa được phản ánh đậm nét. Nhưng hàng trăm ấn phẩm sản xuất qua hàng chục năm cũng là đáng tự hào.
Hy vọng, thời gian tới, Báo sẽ tăng cường liên hệ, trao đổi thông tin với các tác giả, các cộng tác viên, nhất là các tác giả có uy tín nghề nghiệp cao để có thêm nhiều ấn phẩm chất lượng của chuyên trang, chuyên mục. Được như vậy, tờ báo sẽ ngày càng phong phú, hấp dẫn và độc đáo hơn. Bên cạnh đó, Báo sẽ trở thành người bạn tin cậy, người đỡ đầu cho các tác giả, đặc biệt tác giả trẻ người dân tộc thiểu số mới bước vào nghề, đồng thời góp phần hiệu quả vào việc phát huy văn hóa dân tộc.
Bùi Huy Mai