LCĐT - Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh luôn chú trọng việc kiểm soát hoạt động lưu thông hàng hóa tại các phiên chợ vùng cao, khu vực nông thôn, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán và thời điểm người dân vùng cao chuẩn bị bước vào vụ sản xuất.
Lào Cai có nhiều địa phương vùng cao, địa hình chia cắt, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đặc trưng phong tục, tập quán đã hình thành nên nhiều chợ phiên - nơi giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản phục vụ đời sống và sản xuất. Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh có 72 chợ, trong đó có 52 chợ ở khu vực nông thôn. Có thể thấy, chợ ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 72,2% tổng số chợ trên địa bàn. Lợi dụng vùng cao còn nhiều khó khăn và trình độ nhận thức của người dân hạn chế, nhiều tiểu thương đã đưa một số mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để kinh doanh, bán cho người dân.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa tại chợ trên địa bàn huyện Bát Xát. |
Trước đây, dạo một vòng các chợ vùng cao như Y Tý (huyện Bát Xát), Sín Chéng, Cán Cấu (huyện Si Ma Cai), Bản Lầu, Cao Sơn, Lùng Khấu Nhin, Pha Long (huyện Mường Khương), Lùng Phình (huyện Bắc Hà)… không khó để gặp các gian hàng bày bán các sản phẩm hàng tiêu dùng có mẫu mã, nhãn mác “na ná” các thương hiệu nổi tiếng, thương hiệu uy tín trên thị trường nhưng giá bán rẻ hơn nhiều. Thậm chí, nhiều gian hàng còn bày bán các sản phẩm không có nhãn mác hoặc có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là bánh, kẹo, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Chính các mặt hàng này khi được bày bán tràn lan đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sức khỏe, sản xuất của người dân khu vực nông thôn.
Bà Nông Thị Thêm (thôn Na Pao, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) cho biết: Nhiều khi tôi mua bánh, kẹo ở chợ về cho con ăn thấy con bị đau bụng. Có lần tôi mua thuốc về phun diệt cỏ nhưng cỏ không chết, sâu bệnh hại cây trồng còn nhiều hơn. Khi kiểm tra kỹ thấy nhãn mác sản phẩm khác một số chữ so với thương hiệu thường sử dụng nên phải mua sản phẩm khác về dùng.
Nói về băn khoăn khi mua các sản phẩm trên thị trường, bà Nông Thị Thêm cho biết thêm: Khi đi mua hễ thấy sản phẩm nào được bày bán nhiều, giá cả hợp lý thì tôi chọn mặc dù không rõ về chất lượng. Do đó, tôi rất mong lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, bánh, kẹo, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Trước tình trạng đó, Cục Quản lý thị trường Lào Cai đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường thường xuyên rà soát, nắm tình hình thị trường và việc mua bán, trao đổi hàng hóa tại các chợ phiên trên địa bàn các huyện, thành phố. Tập trung kiểm tra nhãn hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa đối với các mặt hàng đóng bao, gói sẵn, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật…
Chị Trần Thị Oanh, tiểu thương chợ Bản Lầu (Mường Khương) cho biết: Trước đây, tôi thường lấy hàng hóa trôi nổi trên thị trường về bán nhưng sau khi được lực lượng quản lý thị trường tuyên truyền, nhắc nhở, tôi đã nhập hàng hóa của các nhà phân phối uy tín. Thị trường hiện nay rất đa dạng về chủng loại, giá cả hàng hóa nên tôi chọn các loại hàng phù hợp với nhu cầu của người dân. Ngày càng nhiều tiểu thương ưu tiên nhập hàng hóa có nhãn mác rõ ràng, được quảng cáo rộng rãi, có uy tín trên thị trường để bán cho người dân.
Mua bán giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật tại chợ Sín Chéng (huyện Ma Cai). |
Mặc dù thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các chợ vùng nông thôn, vùng cao nhưng công tác kiểm soát thị trường hàng hóa tại các khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, nguyên nhân là do địa bàn quản lý rộng, trong khi lực lượng quản lý thị trường mỏng, các chợ phiên phân bố rải rác, không tập trung; lực lượng quản lý thị trường phải tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, các chốt kiểm tra, đoàn liên ngành... Ngoài ra, người kinh doanh tại các chợ phiên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc cư dân thường trú tại các địa phương khác, trình độ dân trí còn hạn chế, quy mô hoạt động nhỏ lẻ, kinh doanh lưu động, trà trộn nhiều loại hàng hóa… gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý và xác định đối tượng vi phạm.
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh khẳng định: Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa tại các chợ vùng cao, vùng nông thôn và thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.