
Mối tình đẹp với cô gái xứ sở Triệu Voi
Từ thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn) xuôi về xã Khánh Yên Hạ, chúng tôi ngược dốc đến Bản Sung, nơi có câu chuyện tình đẹp của người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam với cô gái xứ sở Triệu Voi. Ông Vũ Viết Giàng cầm chiếc điếu cày, vân vê mẩu thuốc, rít một hơi thật dài. Thật khó hình dung được, lão nông đã bước qua cái tuổi 70 đang ngồi đối diện với tôi từng là một chiến sĩ vào sinh ra tử trên khắp chiến trường Nam Lào. Nghe chúng tôi hỏi lại chuyện ông phải bán một con trâu to mới đủ tiền về thăm quê ngoại, ông cười lớn, giọng tếu táo: “Thì lâu lâu mới đi một lần mà chú!”. Đó cũng là lần đầu tiên ông trở lại Lào sau ngày giải phóng, về thăm quê ngoại, thăm lại chiến trường xưa đầy ắp kỷ niệm.
Trong căn nhà sàn nhỏ, ông dành một góc riêng để lưu giữ những kỷ vật từ thời chiến, nhìn những tấm huân chương, huy hiệu đủ loại trong tủ, tôi biết ở ông có cả một bảng thành tích dày về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Lào. Tháng 5/1965, Vũ Viết Giàng trở thành người lính trong Binh đoàn Trường Sơn. 13 năm sống và chiến đấu ở Lào, ông cũng chẳng nhớ được hết những trận đánh mà mình tham gia, từ thành cổ Quảng Trị, Đà Nẵng, ngã ba Kon Tum đến Atôpư, Xaravan… chiến trường Nam Lào ông đều đặt chân đến cả.
Năm 1968, ông nhận nhiệm vụ cố vấn quân sự, xây dựng cơ sở, hỗ trợ bộ đội Pa Thét Lào về chiến thuật và tổ chức trận đánh ở tỉnh Khăm Muộn. Nhiệm vụ chính của ông lúc này là xây dựng cơ sở, “ba cùng” với nhân dân Lào, hướng dẫn cho người dân phát triển sản xuất, xây dựng tình cảm gắn bó giữa quân tình nguyện Việt Nam với quân và dân Lào. Cũng từ đây đã mở đầu cho câu chuyện tình đẹp “như trong phim” của người chiến sĩ Việt
Năm 1975, đất nước thống nhất, ông được phép đưa vợ con từ Lào về quê hương Văn Bàn. Hàng chục năm qua, trong căn nhà nhỏ của ông luôn tràn ngập tiếng cười, các con đều đã trưởng thành, mối tình của ông bà như thêm vào một trang nữa trong những câu chuyện đẹp về tình hữu nghị đặc biệt Việt
Một thời để nhớ
Chúng tôi may mắn khi gặp cựu chiến binh La Văn Son, thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn) khi ông đang trò chuyện với những người đồng đội cũ: Ông Hà Kim Dinh, Nông Hương Bài và Vi Quang Lành, họ là những thành viên trong hội đồng ngũ Sư đoàn 316. Những hồi ức của hơn 40 năm trước cứ ào ạt tuôn ra trong câu chuyện của những người lính năm xưa, với họ vẫn như mới xảy ra hôm qua. Tháng 3/1972, họ cùng khoác ba lô lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Có một ngày họ sẽ mãi mãi không bao giờ quên, đó là ngày 26/8/1972, ngày chính thức đặt chân sang đất bạn Lào.
Nhắc nhớ lại một thời sống, chiến đấu tại chiến trường nước bạn, người lính già hào hứng với kỷ niệm không thể nào quên. Khi ấy ông Hà Kim Dinh là chiến sĩ B40 của đơn vị, trên vai súng đạn nặng trĩu, ngang lưng còn đeo một ruột tượng gạo to vậy mà vẫn đi băng băng trong rừng. Có những trận đánh ác liệt, sau khi bắn B40 ông bị sức ép đến ù tai, choáng váng đầu óc, phải nhịn cơm cả ngày. Kể về những trận đánh đã qua, ông Dinh luôn tự hào khi mình được chiến đấu trong đội hình Đại đội 9 anh hùng (Đoàn Sơn Ca), đơn vị của ông từng là nỗi khiếp sợ của địch bởi đã đánh là thắng.
Ngồi xem lại thước phim tư liệu về Sư đoàn 316 trong thời gian giúp đỡ nước bạn Lào, cựu chiến binh La Văn Son và Vi Quang Lành không khỏi bồi hồi, năm xưa họ cùng chiến đấu trong trung đoàn 174 (Đoàn Bông Lau), ông Son nhớ lại trận đánh đầu tiên mình được tham gia: Trận ấy đơn vị giao cho ông khẩu trung liên để bắn yểm trợ cho đồng đội xung phong đánh chiếm cao điểm chết. Với lực lượng chênh lệch chỉ sau thời gian ngắn, quân ta đã chiếm được điểm cao này. Không chịu thua, địch cho máy bay đến ném bom trả đũa. Chỉ nghe uỵch một tiếng rồi không biết gì nữa. Khi tỉnh lại thấy tức ngực vì bị đất vùi, không thể cử động được, may sao lúc ấy có đồng đội đến tìm, tôi lấy hết sức đưa cây súng lên mặt đất làm dấu hiệu và được kéo lên. “Lúc ấy tôi đã nghĩ có lẽ mình sẽ bị chôn sống ở nơi này rồi” - ông Son kể lại.
Tết Nhâm Tý, năm 1972, cái Tết đầu tiên xa nhà của người lính trẻ Nông Hương Bài. Đó là những giờ phút hiếm hoi, chiến trường lặng tiếng súng, những người lính chia nhau từng điếu thuốc lá, từng mẩu lương khô. Cựu chiến binh Nông Hương Bài mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng kỷ niệm về cái Tết đầu tiên ở cánh rừng Xiêng Khoảng, với ông hồi ức về những năm tháng sống và chiến đấu ở nước bạn Lào luôn là những kỷ niệm đẹp nhất. Đơn vị của ông được lệnh chốt giữ ở một trong ba địa bàn chiến lược quan trọng nhất trên chiến trường bấy giờ đó là vùng chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh dường như lại làm cho con người lạc quan đến lạ. Giờ phút đón giao thừa, anh em đồng chí cùng cất tiếng hát, có người đã khóc khi nhớ về quê nhà, nhớ về đồng đội chỉ ngã xuống cách đây ít phút và họ cùng động viên nhau mạnh hơn để chiến đấu trong những ngày tháng phía trước.
Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của cựu chiến binh Nông Hương Bài vẫn nhớ mãi trận đánh vào cuối mùa khô năm 1972, đơn vị của ông được lệnh chốt giữ điểm cao 1530 thuộc Bản Khổng (Xiêng Khoảng), ở vị trí tiền tiêu, cái chết luôn cận kề, nhưng chưa bao giờ ông và đồng đội có một phút yếu lòng. Trận đánh ác liệt, kéo dài 2 ngày, nhiều đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ điểm chốt, ông cũng bị thương và phải chuyển về trạm phẫu. Sau này khi xem lại tư liệu, ông mới biết trận đánh ấy Mỹ huy động lực lượng rất lớn gồm quân đội Thái Lan và lực lượng Vàng Pao nhằm tái chiếm toàn bộ khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Và đơn vị của ông đã góp công lớn vào một trong những chiến thắng vẻ vang của Sư đoàn 316 anh hùng.
Ông Bài kể: Trong chiến tranh, gian khổ mới thấy tình cảm của những người đồng đội, đồng chí. Nhiều thời điểm, lương thực từ hậu phương chưa kịp chuyển ra, một bữa ăn cả tiểu đội chỉ có một phong lương khô cho vào xoong rồi trộn thêm rau. Có những người đêm hôm trước vừa mới nằm võng nói chuyện vui với nhau vậy mà hôm sau mình đã phải đi tìm xác đồng đội. Nói đến đây ông như nghẹn lại, ông nhớ đến trận đánh giữa tháng 11/1972, trận ấy đồng đội của ông hy sinh nhiều. Đi tìm đồng đội trong đêm chỉ nghe tiếng thở mà không biết là ta hay địch bị thương, khiêng thương binh về khu vực an toàn, mệt rồi ngủ đi lúc nào không hay, đến sáng tỉnh dậy nhìn xung quanh mới biết ca thương binh đưa ra đã hy sinh rồi.
Những người chiến sĩ năm xưa sôi nổi kể về những trận đánh, những kỷ niệm thời chiến nhưng lại e ngại nói về mình, họ chỉ tâm niệm rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn luôn giữ vững phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Khi tìm hiểu chúng tôi được biết trong số họ còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, rất nhiều người vì lý do khách quan mà thất lạc giấy tờ nên chưa được hưởng những chế độ chính sách mà nhà nước dành cho…