LCĐT - Lâu lắm rồi tôi không được nghe những làn điệu dân ca. Không phải bởi quá bận, mà nhịp sống hiện đại khiến chúng tôi quen dần với nhạc trẻ, rock, rap. Ngày nghỉ, đang ngồi gõ vài trang bản thảo, thấy cô con gái bé nhỏ chuyển kênh ti vi liên hồi để tìm chương trình yêu thích, “Thầy tiểu à… ăn với em một miếng trầu… rồi, rồi em gõ mõ cho…” - tiếng Thị Mầu lanh lảnh. Cô gái bé nhỏ chuyển kênh. Tôi vội chuyển hướng cho cô bé sang trò chơi khác, rồi dò lại “kênh Thị Mầu” ban nãy…
![]() |
Liền chị ca những làn điệu ngọt ngào xưa. |
Ngày tôi còn bé, trong nhà lúc nào cũng véo von làn điệu chèo, dân ca, cải lương. Khi thì của chiếc ti vi đen trắng, lúc lại của chiếc đài cát-sét hiệu Panasonic trong chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc từ những chiếc băng bố mua trên chợ thị xã, khi lại là tiếng véo von của mẹ trong lúc làm việc hoặc nghỉ ngơi. Bố hay trêu, mẹ là người đất chèo quê lúa Thái Bình, nên nhà mình lúc nào cũng có mấy chục phút dân ca và nhạc cổ truyền. Bố bảo, mẹ hát cho đỡ nhớ quê.
Ngày đó, những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nghèo thông tin giải trí lắm, nên đến giờ những chương trình đó phát sóng là cả nhà lại quây quần ngồi xem không chớp mắt. Anh cả tôi vẫn hay phụng phịu mỗi khi đang xem dở vở cải lương, vở chèo hay một chương trình nào đó mà bị bố sai sang nhà hàng xóm mượn cái bơm hay đồ nghề sửa chữa gì đó, vì các chương trình đâu có tua lại được như bây giờ. Anh vẫn cứ tị: “Con út là sướng nhất!”.
Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình cũng sướng thật. Nhà có ba anh em, tôi bé nhất nên được đặc cách ngủ cùng bố mẹ trong buồng, còn hai anh chị ngủ riêng ngoài phòng khách. Giờ đi ngủ, ai về phòng nấy, bố thường mở đài cát sét nho nhỏ, đủ cho ba người nghe. Ngày đó, mỗi lần rúc đầu vào nách mẹ trong chiếc chăn dày sụ để nghe các chương trình, tôi luôn có cảm giác ấm áp, ngọt ngào.
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in các khung lịch phát sóng một số chương trình “hot” thời bấy giờ, như chuyên mục “Nhạc kịch”, “Sân khấu” phát vào tối thứ Bảy, chuyên mục “Cảnh giác” phát vào ngày Chủ nhật, chuyên mục “Chuyện đêm khuya” phát vào khung từ 22 đến gần 23 giờ hằng ngày. Tôi cũng nhớ những tích chèo, cải lương phát ra từ chiếc đài mỗi tối. Tôi thuộc làu từng lời thoại, từng nhân vật trong các vở chèo, cải lương mà bố hay mở. Nào là nàng Thị Mầu xinh đẹp lẳng lơ, nào là nàng Thị Kính đức hạnh, nào là tình bạn thâm giao của Lưu Bình - Dương Lễ, tình vợ chồng sâu đậm của Phạm Công - Cúc Hoa… Những câu chuyện xúc động chạm tới trái tim người nghe, bởi lần nào tôi cũng thấy mẹ lau nước mắt!
Miên man trong suy nghĩ, cô công chúa bé nhỏ đã ngồi xem vở chèo từ bao giờ. “Mẹ ơi, sao chú kia nhìn giống con gái thế?”, chỉ vào nhân vật Thị Kính, bé hỏi. Khi mẹ kể tích truyện có nàng Thị Kính đức hạnh nhưng cuộc đời đầy oan nghiệt, bé cún nghe không chớp mắt. Lại nghe chuyện Phạm Công - Cúc Hoa, bé nói thương vợ chồng Phạm Công và ghét nhân vật Tào Thị (vợ lẽ của Phạm Công sau khi Cúc Hoa qua đời)… Ánh mắt nhỏ cũng suy nghĩ bao điều.
Chợt nhớ lại mình những năm thơ bé, những ngày tâm hồn được đắp bồi bởi những món ăn tinh thần xưa cũ. Những tiếng hát véo von, ngân nga của làn điệu chèo, cải lương, dân ca xưa như văng vẳng đâu đây… Từ mai, mình sẽ mang về nuôi dưỡng một tâm hồn bé thơ - tôi tự nói với lòng mình.