Chị Nguyễn Thị Hải Đường, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Núi Xẻ (thuộc Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên) phụ trách địa bàn tiểu khu 267 và tiểu khu 272, diện tích rừng 360 ha. Đây là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái có ý nghĩa rất quan trọng. Trong địa bàn chị được giao quản lý có diện tích thảo quả của một số hộ thuộc phường Ô Quý Hồ và xã Hoàng Liên. Chị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền và người dân 2 địa phương trong việc tuần tra để quản lý, bảo vệ và kịp thời ngăn chặn những hành vi xâm hại rừng.
Hơn 20 năm trong nghề, chị Đường đã quen với những chuyến băng rừng, vượt suối dài ngày đến từng điểm, chốt kiểm tra từng gốc cây. Sương mù, tuyết phủ, nắng hanh, gió núi khiến chị thêm năng động, rắn giỏi như “cây rừng” Hoàng Liên.
Đối với kiểm lâm nữ, thường gặp gian khó, thách thức hơn so với nam giới, do thể lực có hạn, nhất là khi phải leo núi, vượt suối tuần rừng dài ngày. Chị Đường kể: Có lần tôi cùng anh em trong đơn vị đi tuần rừng. Theo kế hoạch, chuyến tuần rừng sẽ kéo dài 3 - 5 ngày. Trước khi lên đường, các thành viên trong tổ đã chuẩn bị đủ lương thực, đồ dùng thiết yếu. Mọi việc diễn ra bình thường, ngày thứ 5 khi tổ đang trên đường xuống núi thì trời bỗng đổ mưa như trút nước, từ đầu nguồn nước ào ào đổ về các khe suối trên đường xuống núi, nước suối dâng cao, chảy xiết, cả đoàn không thể vượt qua, chỉ còn cách quay lại lán nghỉ để chờ mưa tạnh, nước rút.
Đêm hôm đó cả tổ ngủ tại lán giữa rừng, chiếc lán tạm với vải bạt quây xung quanh không cản nổi những giọt mưa thấm vào quần áo ướt sũng, đêm rừng lạnh buốt, đống lửa nhỏ đốt trong lán không thể bùng lên bởi nước mưa, làm khói um cả lán. Cả đêm không ai ngủ được, thức ăn mang đi cũng hết, 6 người trong tổ tuần rừng chia nhau mấy phong lương khô. Đến quá trưa hôm sau, mưa tạnh, nước suối rút bớt, cả tổ mới xuống núi, ai cũng vừa mệt, vừa đói.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên có tổng diện tích hơn 28.000 ha. Sống trong và xung quanh rừng có hơn 2.000 hộ, hơn 12.000 nhân khẩu, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, tập quán sống phụ thuộc vào rừng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng của các cán bộ kiểm lâm gặp không ít trở ngại.
Gặp anh Nguyễn Ngọc Hoàng, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn (với trọng trách Tổ trưởng tổ kiểm lâm cơ động, kiêm phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cụm xã Khánh Yên) khi anh vừa kết thúc chuyến tuần tra rừng 5 ngày 4 đêm trở về. Bước chân xuống núi có phần mệt mỏi, nhưng khi nói về rừng, đôi mắt anh sáng lên bởi những cánh rừng xanh đang được bảo vệ tốt.
Với công việc của kiểm lâm cơ động, anh luôn sẵn sàng đi làm nhiệm vụ bất cứ thời gian nào, dù ngày hay đêm, ngày hành chính hay ngày nghỉ lễ, tết. Anh Hoàng nhớ lại: Ngày 31/1/2023 (ngày 10 tháng Giêng âm lịch), hôm đó tôi vừa bắt đầu kỳ nghỉ tết muộn thì nhận tin báo có cháy xảy ra ở tiểu khu 529, xã Khánh Yên Hạ, giáp ranh xã Nậm Có (Mù Cang Chải, Yên Bái). Gác lại việc riêng, tôi cùng anh em trong tổ lên đường làm nhiệm vụ. Hơn 8 tiếng đồng hồ leo núi, chúng tôi mới tiếp cận được điểm cháy. Đám cháy trên cao, chủ yếu là cỏ tranh, cây bụi, cộng gió lớn nên khó khăn trong công tác chữa cháy.
Với đặc thù địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, tài nguyên rừng phong phú, hoạt động buôn bán lâm sản diễn ra phức tạp, áp lực quản lý, bảo vệ rừng luôn đặt lên cán bộ kiểm lâm trẻ, anh luôn trăn trở để tìm biện pháp khắc phục. Tranh thủ mùa làm nương của bà con, anh đến tận nương, ruộng tuyên truyền cách xử lý thực bì an toàn; anh trò chuyện, tâm sự để người dân hiểu rõ vai trò, giá trị của rừng. Anh còn tích cực áp dụng khoa học - công nghệ trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, theo dõi cảnh báo sớm cháy rừng.
Tỉnh Lào Cai có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với hơn 382 nghìn ha, trong đó có hơn 266 nghìn ha rừng tự nhiên. Tại những vùng giáp ranh với các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái có nhiều khu rừng tự nhiên với nhiều loài gỗ quý, hiếm. Việc khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản vẫn xảy ra theo chiều hướng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi; tập quán canh tác nương còn khá phổ biến nên nguy cơ phá rừng, cháy rừng luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Mỗi kiểm lâm địa bàn được giao phụ trách khoảng 1 nghìn ha rừng. Thực hiện nhiệm vụ tại phần lớn là các xã vùng sâu, vùng cao, đi lại khó khăn nên công việc của mỗi cán bộ kiểm lâm đều khó khăn, vất vả, thậm chí phải đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm. Lực lượng kiểm lâm địa bàn đã thực hiện phương châm “bám chính quyền, bám rừng, bám dân” để hoàn thành nhiệm vụ được giao.