Nhiều thành phố của Ấn Độ trong danh sách đô thị ô nhiễm nhất thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, báo cáo Chất lượng không khí thế giới lần thứ 5 do công ty IQAir lập ra và công bố ngày 16/3 cho thấy dựa trên việc đánh giá mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm trong không khí, có tổng cộng 39 thành phố của Ấn Độ nằm trong danh sách 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh tư liệu)
Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh tư liệu)

Theo báo cáo trên, Bhiwadi ở bang Rajasthan với mức PM2.5 là 92,7 bị đánh giá là thành phố ô nhiễm nhất ở Ấn Độ và là thành phố ô nhiễm thứ 3 trên thế giới. Báo cáo đã tách biệt giữa thủ đô quốc gia New Delhi với vùng thủ đô Delhi rộng lớn hơn và cả hai đều nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Đặc biệt, Delhi nổi lên là đô thị ô nhiễm nhất với mức PM2.5 là 92,6, gần gấp 20 lần giới hạn an toàn. Delhi nằm thứ 4 trong danh sách 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Các thành phố khác của Ấn Độ như Patna, Muzzaffarnagar, Dharbanga, Noida, Gurgaon, Bulandshahr, Meerut, Charkhi Dadri, Jind, Ghaziabad, Faridabad, Dadri, Meerut, Hisar cũng có mặt trong danh sách này.

Ngoài ra, Ấn Độ đứng thứ 8 trong số 131 quốc gia có mức PM2.5 trung bình theo trọng số dân số là 53,3 μg/m3 trong năm 2022. Xếp trước Ấn Độ trong danh sách này là CH Chad, Iraq, Pakistan, Bahrain, Bangladesh, Burkina Faso và Kuwait. Trong năm ngoái, mức trung bình PM2.5 hằng năm của các quốc gia thấp hơn một chút so với mức 58,1 μg/m3 được ghi nhận trong năm 2021.

IQAir là một công ty công nghệ chất lượng không khí của Thụy Sĩ chuyên đưa ra các báo cáo hằng năm về chất lượng không khí thế giới dựa trên dữ liệu từ các trạm giám sát do chính phủ các nước cũng như các tổ chức và cơ quan khác điều hành trên toàn thế giới. Báo cáo năm 2022 của công ty này dựa trên nồng độ các vật chất dạng hạt mịn PM2.5 từ 7.323 thành phố và 131 quốc gia.

PM2.5 là chất gây ô nhiễm nhỏ nhất, nhưng cũng là nguy hiểm nhất. Khi con người hít vào, PM2.5 sẽ đi sâu vào mô phổi và từ đó đi vào máu. PM2.5 có liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe bao gồm hen suyễn, bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp khác. Nguồn tạo ra PM2.5 là quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng.

Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

fb yt zl tw