Nhật Bản: Các ca sốc nhiễm độc tăng đột biến, chưa thể lý giải nguyên nhân

Dữ liệu chính thức cho thấy các ca mắc hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn (STSS) có tỷ lệ tử vong cao đã đạt mức kỷ lục ở Nhật Bản. Đáng lo ngại hơn là các chuyên gia cho đến nay vẫn chưa thể xác định được lý do các ca mắc tăng.

Theo đài truyền hình CNN, tính đến ngày 2/6, Bộ Y tế Nhật Bản đã ghi nhận 977 trường hợp mắc STSS, với tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Khoảng 77 người đã tử vong do số nhiễm độc chỉ từ tháng 1 đến tháng 3.

Đợt bùng phát đang xảy ra ở Nhật Bản đã vượt qua số ca mắc kỷ lục năm ngoái là 941 ca nhiễm sơ bộ, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thống kê vào năm 1999. Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản đã ghi nhận 97 trường hợp tử vong do STSS vào năm ngoái.

Ảnh minh họa vi khuẩn Streptococcus Nhóm A trên bạch cầu trung tính trong cơ thể người là một trong những nguyên nhân gây STSS.
Ảnh minh họa vi khuẩn Streptococcus Nhóm A trên bạch cầu trung tính trong cơ thể người là một trong những nguyên nhân gây STSS.

STSS là là một tình trạng nhiễm khuẩn hiếm gặp, các triệu chứng rất đột ngột, có thể phát triển khi vi khuẩn xâm nhập vào các mô và máu, nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh. Ban đầu, bệnh nhân bị sốt, đau cơ và nôn mửa nhưng các triệu chứng có thể nhanh chóng dẫn tới tử vong khi huyết áp tụt giảm, suy đa tạng và gặp phản ứng sốc.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ngay cả khi được điều trị, STSS vẫn có thể gây tử vong. Trong số 10 người mắc STSS, có đến 3 người tử vong vì nhiễm trùng.

Hầu hết các trường hợp STSS là do sự giải phóng độc tố từ sự phát triển quá mức của vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) hoặc các vi khuẩn Streptococcus nhóm A (GAS), chủ yếu gây sốt và nhiễm trùng họng ở trẻ em.

GAS cũng có thể gây ra tình trạng hoại tử ở chân tay. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân mắc hội chứng này đều có các bệnh lý nền làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, như ung thư hay tiểu đường.

Hồi tháng 3, chính quyền Nhật Bản đã cảnh báo về sự gia tăng các ca STSS. Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản đã đưa ra một đánh giá rủi ro cho biết số trường hợp STSS do GAS gây ra “đã tăng lên kể từ tháng 7/2023, đặc biệt là ở những người dưới 50 tuổi”.

CDC cho biết những người lớn tuổi có vết thương hở có nguy cơ mắc STSS cao hơn, kể cả những người vừa mới phẫu thuật. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa biết vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể như thế nào đối với gần một nửa số người mắc STSS.

Theo đài truyền hình NHK Nhật Bản, lý do khiến số ca STSS gia tăng trong năm nay ở quốc gia này vẫn chưa rõ ràng.

Giáo sư Ken Kikuchi làm việc Đại học Y khoa Phụ nữ Tokyo phán đoán sự gia tăng này có thể là do hệ thống miễn dịch của con người suy yếu sau COVID-19.

“Chúng ta có thể tăng cường khả năng miễn dịch nếu thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn. Nhưng cơ chế đó đã không còn tồn tại trong đại dịch COVID-19”, Giáo sư Kikuchi chỉ ra.

Trước đây, các ca nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A phần lớn được hạn chế nhờ các biện pháp phòng dịch COVID-19, bao gồm đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sau khi các biện pháp đó được nới lỏng, nhiều quốc gia đã báo cáo số ca nhiễm gia tăng.

Vào tháng 12/2022, năm quốc gia châu Âu đã báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới về sự gia tăng các ca mắc liên cầu khuẩn nhóm A, trong đó trẻ em dưới 10 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất. CDC cho biết họ cũng đang điều tra sự gia tăng rõ rệt của căn bệnh này vào thời điểm đó.

baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) của Mỹ ngày 24/3 cảnh báo chính phủ nước này sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ đối với một phần trong khoản nợ 36.600 tỷ USD vào giai đoạn từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10/2025 nếu Quốc hội không hành động để nâng trần vay nợ của Washington.

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Đối mặt với tăng trưởng yếu và áp lực địa chính trị, kinh tế châu Âu đang ở thời điểm quyết định. Giải pháp tăng cường cạnh tranh có thể giúp khu vực vượt qua khủng hoảng hay không?

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Thế giới có thể thu hẹp khoảng cách tài chính cho hệ thống cảnh báo sớm và bảo đảm rằng mọi quốc gia đều có đủ nguồn lực cần thiết để tăng cường khả năng chống chịu, đồng thời bảo vệ cộng đồng trước những tác động ngày càng mạnh mẽ của thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.

fb yt zl tw