LCĐT - Cách thành phố Lào Cai khoảng 20 km, thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan (Bát Xát) có hơn 50 hộ người Dao sinh sống. Thôn ở lưng chừng núi, bao quanh bởi rừng già, có nhiều loài cây thuốc quý, nên người dân đã khai thác có quản lý để làm thuốc tắm, thu hút du khách trải nghiệm.
Bà Chảo Cói Mẩy chuẩn bị chỗ ngủ cho du khách. |
Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM), người Dao ở Sải Duần đã dựng ngôi nhà cộng đồng làm nơi lưu trú cho khách du lịch. Nhà có hệ thống phòng tắm riêng biệt để du khách có thể ngâm mình trong nước lá thuốc. Điều hành nhà cộng đồng là tổ phụ nữ với 5 thành viên có nhiệm vụ kết nối với du khách, hái lá thuốc, đun nước tắm và hướng dẫn du khách khi có nhu cầu trải nghiệm. Để nguồn cây thuốc quý không bị cạn kiệt, các thành viên chỉ hái lá và cành nhỏ, không chặt cây, bẻ cành to, đồng thời khi phát hiện những cây thuốc quý, chị em cùng bảo vệ và trồng thêm để mở rộng diện tích.
Sau khi trải nghiệm tắm lá thuốc, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực truyền thống, với nhiều đặc sản địa phương. Khách có nhu cầu còn được tham quan, trải nghiệm cùng người dân lên nương, hái rau, hái lá thuốc và thưởng thức các tiết mục văn nghệ do chính đội văn nghệ của thôn biểu diễn. Chị Vũ Thị Tố Uyên, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Sau 15 phút ngâm mình trong nước thuốc của người Dao ở Sải Duần, tôi thấy rất khoan khoái, cơ thể khỏe mạnh. Hơn nữa, khí hậu ở nơi này cũng trong lành, dễ chịu. Chính sự mộc mạc ở đây đã cuốn hút tôi.
Từ ngôi làng hoang sơ bên lưng núi, giờ đây du khách biết đến Sải Duần như một địa chỉ du lịch cộng đồng. Trung bình mỗi tháng, thôn Sải Duần đón 5 - 6 đoàn khách, mỗi đoàn lên đến hàng chục người. Bà Chảo Cói Mẩy, Tổ trưởng Tổ quản lý nhà cộng đồng thuốc tắm người Dao đỏ cho biết: Phát triển mô hình tắm lá thuốc truyền thống thành một sản phẩm của loại hình du lịch chữa bệnh đã mang đến nhiều thay đổi tích cực cho làng người Dao Sải Duần, nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa bản địa.