LCĐT - Ðã hàng chục năm thuộc diện hộ nghèo, đến bây giờ, kinh tế của gia đình anh Giàng A Phừ, thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn chưa có chuyển biến đáng kể, khi cả năm chỉ trông chờ vào vụ lúa và ngô để lo đủ cái ăn. Tuy nhiên, sau khi bàn với gia đình, đầu năm 2017, anh Phừ đã chủ động viết đơn gửi lên xã để xin được thoát nghèo. Dù biết trước sẽ rất khó khăn nếu thiếu đi các khoản hỗ trợ dành cho hộ nghèo, nhưng anh Phừ tin đây là quyết định đúng, là cơ hội để gia đình thoát khỏi cái nghèo đã đeo đuổi gia đình bao năm nay.
Suy nghĩ của anh Giàng A Phừ cũng là suy nghĩ chung của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tả Phìn. Năm 2017, có tới 70 hộ trong xã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, trong đó không ít hộ vẫn còn rất khó khăn. Như gia đình anh Giàng A Sinh ở thôn Can Ngài, kinh tế ở mức trung bình, do mới tách hộ, lại thêm cậu con trai lên 9 tuổi bị bệnh bẩm sinh không có khả năng tự phục vụ, thường xuyên phải đi viện điều trị, nhưng anh quyết tâm viết đơn xin thoát nghèo. Để việc viết đơn xin thoát nghèo không hình thức, anh Sinh tính toán hướng để cải thiện kinh tế gia đình. Anh Sinh chia sẻ: Tôi chủ động viết đơn xin thoát nghèo và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu vươn lên. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những hộ khác mạnh dạn đầu tư làm ăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ trồng hoa địa lan, làm du lịch, thêu thổ cẩm, kinh doanh thuốc tắm… tôi cũng phải học theo, chứ không thể nghèo mãi được.
![]() |
Nhiều hộ dân xã Tả Phìn thoát nghèo từ trồng địa lan. |
Đến hết năm 2016, xã Tả Phìn còn 203 hộ nghèo trên tổng số 677 hộ dân. Năm 2017, huyện Sa Pa giao xã Tả Phìn có 38 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, đến nay, toàn xã có 70 hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo và nếu các hộ này thoát nghèo thành công, tỷ lệ hộ nghèo của Tả Phìn giảm còn khoảng 20%. Để làm được điều đó, chính quyền xã kêu gọi các nguồn lực tham gia hỗ trợ cây, con giống để các hộ có thêm điều kiện, động lực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững và hiệu quả.
Theo ông Lý Phù Siệu, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn thì thoát nghèo bền vững là mục tiêu chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tả Phìn. Hiện, các nguồn vốn hỗ trợ bà con thoát nghèo vẫn còn dàn trải, không đáng kể nếu như dành để đầu tư cho toàn bộ hộ nghèo trong xã. Từ thực tế đó, xã Tả Phìn tuyên truyền người dân tự viết đơn đăng ký thoát nghèo, sau đó, chính quyền xã sẽ thẩm tra lại. Các hộ đăng ký thoát nghèo sẽ được ưu tiên lựa chọn để tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế hộ. Như vậy, các hộ dân sẽ nhận được một khoản “đáng kể” để đầu tư vào mô hình kinh tế của gia đình, thay vì mỗi năm nhận từng khoản nhỏ rồi sử dụng không hiệu quả, không đạt được mục tiêu thoát nghèo chung của địa phương.
Tuy nhiên, việc thoát nghèo ở Tả Phìn vẫn là câu chuyện dài. Trong 70 hộ dân đăng ký xin thoát nghèo, vẫn còn nhiều hộ kinh tế rất khó khăn và khó có thể thoát nghèo trong “một sớm, một chiều”. Xác định việc giảm nghèo phải thực chất, không chạy theo thành tích, do đó, chính quyền xã tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Một số mô hình sản xuất được các hộ dân mở rộng đầu tư, như trồng hoa địa lan, phát triển chăn nuôi bò, nuôi lợn đen sinh sản… có thu nhập đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước của người dân đang dần được đẩy lùi tại các thôn vùng cao Lào Cai. Việc bà con ở xã vùng cao Tả Phìn xin ra khỏi hộ nghèo và chủ động đưa ra các biện pháp phát triển kinh tế là động lực để các hộ nghèo trên địa bàn xã Tả Phìn nói riêng và các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung nỗ lực vươn lên thoát nghèo, giảm gánh nặng kinh tế cho ngân sách nhà nước.