Từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi ngày Phòng tiêm chủng vắc-xin An Khang (phường Bắc Cường) tiếp nhận từ 10 đến 15 người đến tiêm vắc-xin phòng cúm. Đối tượng đến tiêm vắc-xin phòng cúm nhiều nhất là trẻ nhỏ.
Anh Nguyễn Minh Hải (phường Cốc Lếu) đưa con gái 9 tuổi đến tiêm tại Phòng tiêm chủng vắc-xin An Khang chia sẻ: Bệnh cúm lây nhiễm qua đường hô hấp nên khi con trở lại trường học tiếp xúc nhiều người, sinh hoạt bán trú càng dễ nhiễm bệnh hơn. Mong muốn bảo vệ sức khoẻ cho con, tháng 8 hằng năm tôi đều đưa con tiêm nhắc lại vắc-xin phòng cúm mùa.
Mắc bệnh hen phế quản nên bà Nguyễn Thanh Trà (phường Bắc Cường) rất lo lắng khi thời tiết chuyển mùa. Bà Trà cùng chồng, hai con và cháu gái cùng đến tiêm vắc-xin. Bà Trà chia sẻ: "Tiêm vắc-xin phòng cúm nhiều năm nay, khi tôi nhiễm bệnh cũng chỉ bị triệu chứng nhẹ nên rất yên tâm. Tôi bị hen phế quản, tiểu đường nên rất lo lắng biến chứng nếu chẳng may nhiễm bệnh".
Bác sỹ Trần Thị Lệ Hằng, phụ trách Phòng tiêm chủng vắc-xin An Khang cho biết: Vi-rút cúm có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện… thì dịch mũi, họng, các giọt nước bọt mang theo vi-rút thoát ra môi trường bên ngoài, người lành hít phải sẽ có thể nhiễm bệnh. Một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn và diễn biến nặng hơn khi mắc bệnh như trẻ em dưới 5 tuổi (trong đó trẻ em dưới 2 tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao), người hơn 65 tuổi, người có bệnh nền mạn tính và phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở cũng là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm là suy hô hấp với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu… dẫn đến viêm phổi, thiếu ôxy và thậm chí tử vong.
Vắc-xin phòng cúm mùa chưa có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nên để phòng bệnh chủ động, người dân cần đến các phòng tiêm dịch vụ. Trên địa bàn thành phố, các phòng tiêm chủng Safpo, Phòng tiêm chủng Thành Công cũng đã chuẩn bị cơ số vắc-xin phòng cúm phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 8, toàn tỉnh ghi nhận 334 ca mắc cúm, luỹ kế từ đầu năm đến nay ghi nhận 2.788 ca. Cúm mùa được chia làm 3 loại: Cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó, cúm A là loại nguy hiểm nhất với nhiều chủng gây bệnh như A(H5N1), A(H3N2), A(H1N1)...
Vắc-xin phòng cúm A đang lưu hành gồm 4 loại: Influvac Tetra (Hà Lan) tiêm cho trẻ từ 3 tuổi và người lớn; Vaxigrip Tetra (Pháp) tiêm cho trẻ từ 6 tháng và người lớn; GC-flu Quadrivalent (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn; vắc-xin Ivac-flu S (Việt Nam) tiêm cho người từ 18 tuổi đến dưới 60 tuổi.
Theo Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030, vắc-xin phòng bệnh cúm mùa, vắc-xin phòng bệnh do vi-rút Rota, vắc-xin phòng bệnh do phế cầu, vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung sẽ là 4 loại vắc-xin dự kiến sẽ được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Khuyến cáo của ngành y tế là bên cạnh việc phòng bệnh chủ động bằng cách tiêm chủng vắc-xin, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng; che miệng và mũi khi ho; vệ sinh và mở cửa thoáng nơi ở, lớp học, phòng làm việc; thường xuyên lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn. Đồng thời, theo dõi sức khỏe hằng ngày; giữ ấm cơ thể; ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng... Đặc biệt, người dân không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng vi-rút như Tamiflu. Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sỹ khám và tư vấn điều trị.