Nghệ thuật và sự sẻ chia

Cơn bão Yagi đã đi qua, song hậu quả để lại là vô cùng nặng nề đối với nhiều gia đình tại các tỉnh phía Bắc. Tiếp tục lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, nhiều nhà hát và các nghệ sĩ đang lên kế hoạch tổ chức các đêm nhạc, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật… quyên góp, giúp đỡ đồng bào các tỉnh, thành miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra.

100% số tiền từ việc bán tác phẩm tại Triển lãm nghệ thuật “Mặt khác - Otherwise” sẽ được đóng góp vào quỹ ủng hộ đồng bào bão lũ.
100% số tiền từ việc bán tác phẩm tại Triển lãm nghệ thuật “Mặt khác - Otherwise” sẽ được đóng góp vào quỹ ủng hộ đồng bào bão lũ.

Chung một tấm lòng nghệ sĩ

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa thống nhất chủ trương thực hiện các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. Theo đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp và chỉ đạo 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ cùng xây dựng kế hoạch tổ chức 6 chương trình nghệ thuật.

Các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL bắt đầu thực hiện các buổi biểu diễn từ ngày 15/9. Trong đó, Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn chương trình “Trăng Trẻ thơ” tại Sân khấu Thủy đình - Nhà hát Múa rối Việt Nam (vào 9 giờ 30 ngày 15/9); Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn “Dạ tiệc đêm Rằm” tại Rạp Tuổi trẻ (20 giờ ngày 16 và 17/9); Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn hòa nhạc “Lalo Stravinsky” tại Nhà hát Lớn Hà Nội (20 giờ ngày 17/9); Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn chương trình “Tâm sự quê” tại Rạp Kim Mã (20 giờ ngày 18/9); Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam biểu diễn đêm nhạc “Hà Nội - Những tháng năm” tại Nhà hát Lớn Hà Nội (20 giờ ngày 20/9).

Đặc biệt, với mong muốn dành tặng khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi vùng lũ nhân dịp Tết Trung thu, NSND Xuân Bắc và NSND Tự Long phối hợp cùng nhiều nghệ sĩ sẽ tổ chức chương trình “Trung Thu không xa cách” vào tối 17/9 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Bên cạnh đó, chương trình sẽ được livestream trên kênh cá nhân của các nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long, Câu chuyện Hà Nội và nhiều kênh khác thuộc YouTube...

NSND Xuân Bắc cho biết, đây là chương trình đột xuất nhưng đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nghệ sĩ… Các nghệ sĩ tham gia chương trình biểu diễn không nhận thù lao, tiền bán vé từ chương trình, tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ sẽ dành tặng người dân vùng lũ thông qua MTTQ Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… và các tổ chức hỗ trợ trực tiếp đối với trẻ em vùng lũ.

NSND Xuân Bắc cũng thông tin, chương trình vừa mang đến cho các em nhỏ những tiết mục nghệ thuật về Trung thu đặc sắc, vừa hướng các em đến tình yêu thương, sẻ chia với cộng đồng. Tại chương trình vẫn có biểu diễn nghệ thuật, múa lân sư rồng, rước đèn ông sao, đồng thời có nhiều hoạt động nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái. Các phụ huynh và em nhỏ đến xem trực tiếp chương trình ngoài việc ủng hộ thông qua hình thức mua vé còn có thể ủng hộ bằng hình thức mua sách vở, đồ dùng học tập...

Thông tin từ Ban Tổ chức đêm nhạc “Bond Live In Vietnam” sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 5/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia cho biết, toàn bộ doanh thu bán vé đêm nhạc sẽ được ủng hộ cho quỹ từ thiện hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Còn tối ngày 21/9, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), ca sĩ Tuấn Hưng và Duy Mạnh sẽ tổ chức liveshow “Dốc mộng mơ” ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ. Trước đó, 2 ca sĩ và Ban Tổ chức liveshow đã chuyển 3 tỷ đồng ủng hộ bà con bị ảnh hưởng bão lụt vào tài khoản của MTTQ Việt Nam.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Cùng các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thời gian qua, nhiều nghệ sĩ cũng tổ chức bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật quyên góp giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cho biết, anh đã cho ra mắt sản phẩm âm nhạc bằng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên “Mắt bão” hướng tới cộng đồng, đặc biệt là đồng bào vùng lũ. Đây là lần đầu tiên một MV âm nhạc với thông điệp tuyên truyền, kêu gọi, vận động và tri ân các tình nguyện viên, mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện… được thực hiện hoàn toàn bằng AI, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp giải trí. Trong “Mắt bão” có hình ảnh cây cầu Phong Châu, hình ảnh những ngôi nhà chìm trong nước lũ, những người dân dầm mình trong mưa lũ, những đoàn cứu trợ với tinh thần tương thân, tương ái…

Mới đây, Ban Tổ chức Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage “Hành trình di sản 2024” đã tổ chức chương trình đấu giá từ thiện: “Những bức ảnh trao gửi yêu thương” gây quỹ ủng hộ các tỉnh miền Bắc khắc phục hậu quả sau thiên tai. Trên nền tảng mạng xã hội, nhóm nghệ sĩ Di sản và Nghệ thuật (Heritage and Art) cũng phát động chương trình bán/đấu giá tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ đã thành danh và cả các sinh viên mỹ thuật.

Triển lãm nghệ thuật “Mặt khác - Otherwise” của 3 nghệ sĩ gồm họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đang diễn ra ở “Hội Quán Quảng Đông” (22 Hàng Buồm, Hà Nội) thông tin, sẽ dành 100% số tiền từ việc bán tác phẩm trong thời gian diễn ra trưng bày đóng góp vào Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của An ninh Thủ đô.

Họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ, nghệ thuật ngoài việc phản ánh vẻ đẹp và bản chất của cuộc sống, luôn mang trong mình một sứ mệnh lớn hơn, đó là truyền tải những giá trị nhân văn và kết nối cộng đồng. Với tinh thần ấy, các nghệ sĩ tham gia dự án hiểu rằng, giá trị của nghệ thuật không thể tách rời khỏi trách nhiệm với xã hội.

Với tinh thần tương thân, tương ái, trong những ngày qua, đông đảo nghệ sĩ trên cả nước đã chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ. Trong đó, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã phát động đợt vận động ủng hộ dự án thiện nguyện “Chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ”.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thị Thuý Mùi cho biết, toàn bộ số tiền thu được, Ban chấp hành Hội sẽ trực tiếp lên vùng lũ để trao cho bà con, góp phần cùng cả nước giải quyết phần nào những khó khăn do thiên tai, bão lụt gây ra. Ngay sau khi phát động, Hội đã nhận được sự ủng hộ tích cực của rất nhiều nghệ sĩ trong giới.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng kêu gọi các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong cả nước chung tay giúp đỡ về tinh thần và vật chất, góp phần làm vơi bớt những đau thương mất mát, để nhân dân vùng lũ lụt nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024, hơn 10 tỷ đồng đã được các nghệ sĩ ủng hộ các địa phương bị thiệt hại bởi bão lũ.

Ca sĩ Tùng Dương hoãn ra MV, cùng những người bạn ủng hộ 500 triệu đồng chống lũ

Ca sĩ Tùng Dương.
Ca sĩ Tùng Dương.

Theo kế hoạch, Tùng Dương ra mắt MV mới có tên gọi "Đàn ông không cần khóc" vào ngày 12/9. Tuy nhiên, anh đã quyết định hoãn việc ra mắt sản phẩm âm nhạc mới này. Nam ca sĩ chia sẻ, hiện tại hậu quả của cơn bão số 3 để lại thiệt hại nặng nề đối với các tỉnh thành miền Bắc nên anh cùng êkip thống nhất tạm hoãn việc ra mắt MV "Đàn ông không cần khóc", sau đó sẽ chọn thời điểm khác phù hợp hơn.

“Tôi và những người bạn thân thiết thống nhất trước mắt sẽ ủng hộ 500 triệu để chuyển tới Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên. Tôi không chắc là những ngày tới mình sẽ quyên góp thêm được bao nhiêu từ những người bạn thân thiết nhưng mình hãy cứ làm bằng cả tấm lòng, có bao nhiêu gửi đi bấy nhiêu. Quan trọng là được chia sẻ với mọi người. Tôi hy vọng truyền được động lực sống cho mọi người để họ có thể vượt qua những khó khăn hiện tại’’ - Tùng Dương chia sẻ và cho biết, những ngày tới nếu vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của bạn bè, anh sẽ đại diện để gửi số tiền ủng hộ tới những tỉnh cũng đang gặp phải cơn lũ lớn như Bắc Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng…

Theo daidoanket.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chuyển động cùng nhạc kịch

Chuyển động cùng nhạc kịch

Nhạc kịch đang được “phủ sóng” rộng rãi từ sân khấu cho đến trường học. Ở đó, cùng với việc “Việt hóa” các tác phẩm của nước ngoài, liên kết với nhà hát quốc tế… thì việc khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống đang giúp loại hình sân khấu này có thêm sức hút, đặc biệt là với khán giả trẻ.

Gian nan bảo vệ bản quyền

Gian nan bảo vệ bản quyền

Tròn 20 năm Việt Nam tham gia Công ước Berne (10/2004) về quyền sở hữu trí tuệ. Khoảng thời gian này không phải là ngắn, vậy nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền ở trong nước vẫn còn phổ biến và ngày càng phức tạp.

"Đốt đuốc đi tìm"...

"Đốt đuốc đi tìm"...

Nhiều người lấy làm ngạc nhiên vì trong lúc thế giới điện ảnh vô cùng sôi động thì lại thiếu vắng những người làm phê bình điện ảnh một cách đúng nghĩa. Cùng đó cũng lại ngạc nhiên khi mà trên mạng xã hội người ta bàn tán dữ dội một bộ phim nào đó, nhưng không thấy “nhà phê bình điện ảnh” ở đâu.

Đồ họa Việt cần tiếp cận trình độ thế giới

Đồ họa Việt cần tiếp cận trình độ thế giới

Trong những năm gần đây, công chúng Việt Nam thường xuyên chứng kiến tên tuổi của một số nhà thiết kế đồ họa Việt Nam xuất hiện trong các bộ phim “bom tấn” nước ngoài. Cùng với đó, những sản phẩm văn hóa trong nước sử dụng đồ họa cũng ngày càng phổ biến và mức độ hiện đại rất cao. Tuy nhiên để bắt kịp trình độ phát triển của đồ họa thế giới, chúng ta cần có chiến lược phát triển thông qua 3 trụ cột: Sáng tạo, nghiên cứu và giảng dạy.

fbytzltw