Đó là lời căn dặn của Bác Hồ trong lần nói chuyện tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952. Ngày này năm 1947 là ngày thành lập Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Đây là lời căn dặn của Bác trong bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952, đăng trên Báo Nhân dân số 57, ngày 8-5-1952.
Trong bài nói chuyện, Bác đã nêu ra mục đích của việc thi đua là tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Bác cũng nêu ra tình hình thi đua, những ưu khuyết điểm trong quá trình thi đua, nội dung thi đua, cách thi đua, mức thi đua. Và Bác kết luận về ý nghĩa của việc thi đua: “Thế là thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ”.
![]() |
Hồ Chủ tịch với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952. Ảnh tư liệu |
Sau khi chỉ ra thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực, Bác kết luận: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, tr.407)
Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Có thể thấy, quan điểm thi đua là yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (30-12-1966). Ảnh tư liệu |
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội Anh hùng và các chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (2-1-1967). Ảnh tư liệu |
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (11-11-1965). Ảnh tư liệu |
Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, đem hết sức mình tham gia kháng chiến và kiến quốc thành công. Từ đó, phong trào thi đua đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng qua các thời kỳ, trong các tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang, với nhiều nội dung phong phú và hình thức sinh động, góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo dấu chân Người
Ngày 1-5-1920, báo cáo của mật thám Pháp ghi nhận, Nguyễn Ái Quốc tham dự mít tinh kỷ niệm Ngày Lao động Quốc tế cùng Nhóm đảng viên Xã hội và tham luận trên diễn đàn đòi ngưng gửi người sang thuộc địa.
Ngày 1-5-1924, Nguyễn Ái Quốc có mặt trong Ngày Quốc tế Lao động diễn ra trên Hồng trường theo lời mời của Thành uỷ Moskva và Ban Thư ký của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 1-5-1943, trên Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng đăng bài “Kỷ niệm Trần Hưng Đạo” của Bác với lời kết: Chuyện Trần Hưng Đạo để lại cho ta một bài học: Muốn đánh quân xâm lấn nước ta cần 2 điều: Một là toàn dân đoàn kết, hai là khéo dùng lối du kích.
Ngày 1-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5... Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là Ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới” .
![]() |
Ngày 1-5-1938, hơn 25.000 nhân dân Hà Nội đã tổ chức mít tinh, tuần hành kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và đòi quyền tự do, dân chủ. Ảnh: TTXVN |
![]() |
Thanh niên miền Bắc với phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, sản xuất giỏi, chiến đấu cừ vì độc lập tự do của Tổ quốc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ảnh tư liệu. |
Ngày 1-5-1948, Bác ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”, trong đó có đoạn: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”.