Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể thiệt hại 330 tỷ USD do thuế quan

Viện Kinh tế Đức (IW) ngày 18/4 cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể khiến nền kinh tế Đức thiệt hại tới 290 tỷ euro (330 tỷ USD) trong giai đoạn 2025 - 2028.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức.

IW cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Đức có thể sụt giảm 1,6% năm 2028.

Căn cứ vào những phân tích hậu quả tiềm tàng từ thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 2/4, trong đó có kế hoạch áp thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và nhiều mức thuế quan với những đối tác thương mại khác của Mỹ, IW cho rằng tổn thất trực tiếp của Đức do các biện pháp thuế quan này có thể lên tới 200 tỷ euro, tương đương 1,2% GDP hàng năm từ nay đến năm 2028. Nếu tính cả tác động do các phản ứng đáp trả, tổng thiệt hại có thể lên tới 290 tỷ euro.

Cũng theo ước tính trong báo cáo, toàn bộ EU có thể phải đối mặt với tổn thất cộng dồn lên tới 1.100 tỷ euro từ nay đến năm 2028.

IW cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại toàn cầu và sẽ gây thiệt hại cho tất cả. Cũng theo IW, mặc dù Mỹ đã hoãn áp thuế quan trong 90 ngày, nhưng tình trạng bất ổn do vấn đề này gây ra đã tác động nghiêm trọng đến kế hoạch đầu tư toàn cầu.

Đức, một nền kinh tế định hướng xuất khẩu cao, đã công bố thặng dư thương mại với Mỹ trong 33 năm liên tiếp. Năm 2024, mức thặng dư thương mại này đạt kỷ lục 69,8 tỷ euro.

Dữ liệu từ các cơ quan thống kê của Đức cho thấy hàng hóa sang Mỹ chiếm 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức vào năm 2024, mức cao nhất kể từ năm 2002. Điều này khiến Đức đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của việc tăng thuế quan của Mỹ.

Các viện kinh tế Đức ngày 10/4 đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2025 của kinh tế Đức xuống còn 0,1% so với mức 0,8% dự kiến hồi tháng 9/2024.

Mặc dù dự báo này có tính đến mức thuế quan ban đầu của Mỹ áp đặt đối với thép, nhôm và ôtô, nhưng không tính đến các mức thuế đối ứng mà Tổng thống Trump vừa công bố hôm 2/4 và thông báo tạm hoãn hôm 9/4.

Dự báo ảm đạm này báo hiệu nền kinh tế Đức tiếp tục trì trệ, với nguyên nhân một phần là do chính sách thuế của Mỹ và Đức phải đối mặt với những trở ngại kinh tế từ nhiều hướng.

Giới phân tích cho rằng việc áp dụng các mức thuế bổ sung có thể gây ra tác động gấp đôi đến nền kinh tế châu Âu, kéo nền kinh tế Đức vào năm suy thoái thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng rất khó để định lượng được tác động này.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế RWI-Leibniz, ông Torsten Schmidt, cho biết: "Những căng thẳng địa chính trị và chính sách thương mại bảo hộ của Mỹ đang làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn đã căng thẳng ở Đức."

Năm ngoái, Mỹ được xếp là đối tác thương mại hàng đầu của Đức và là thị trường xuất khẩu lớn, bao gồm ôtô, máy móc và hóa chất. Ngoài những khó khăn trong thương mại xuyên Đại Tây dương, Đức còn phải đối mặt với một loạt khó khăn liên quan đến vấn đề cơ cấu sâu rộng.

Còn theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), trong tháng 2/2025, sản lượng công nghiệp của Đức tiếp tục giảm mặc dù xuất khẩu tăng, do dự đoán tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Đức đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 70,2 tỷ euro (79,8 tỷ USD) sang các nước EU trong tháng 2/2025, tăng 0,5% so với tháng trước đó.

Kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng 0,6% lên 6,8 tỷ euro, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Vương quốc Anh giảm 3,8% xuống 6,5 tỷ euro.

Theo vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Động đất tại Myanmar: Thái Lan bắt đầu bồi thường cho các nạn nhân

Động đất tại Myanmar: Thái Lan bắt đầu bồi thường cho các nạn nhân

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Nội vụ Thái Lan sẽ bắt đầu phân phối khoản bồi thường 100.000 baht (gần 3.000 USD) cho mỗi nạn nhân của vụ sập tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) ở quận Chatuchak ở thủ đô Bangkok, trong trận động đất xảy ra hồi cuối tháng trước. Đợt giải ngân đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 18/4.

Hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch

Hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch

Trải qua hơn ba năm đàm phán với nhiều chông gai, các thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đạt thỏa thuận “về nguyên tắc” cho một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch trong tương lai vào ngày 12/4 vừa qua. Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với y tế toàn cầu, bởi sự hỗn loạn do đại dịch Covid-19 trong quá khứ đã chứng minh tầm quan trọng của việc đoàn kết và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản.

Báo chí Trung Quốc viết về câu chuyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Việt Nam

Báo chí Trung Quốc viết về câu chuyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Việt Nam

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, báo chí nước này đã tuyên truyền đậm nét, làm nổi bật "ý nghĩa trọng đại" của chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2025, cũng như những câu chuyện, kỷ niệm của nhà lãnh đạo với đất nước và con người Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ với Việt Nam, cũng như quan hệ Trung Quốc-ASEAN, đồng thời tạo động lực mới cho sự phát triển hòa bình của khu vực và thế giới.

fb yt zl tw