Theo quy định của Luật Việc làm hiện hành, người lao động có việc làm sẽ bị chấm dứt hưởng TCTN. Trong thời gian hưởng trợ cấp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn (có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh) hoặc trường hợp bất khả kháng. Trường hợp người lao động không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định sẽ bị tạm dừng hưởng TCTN.
Ông Hoàng Quyết (tỉnh Cà Mau) kể tháng 7/2023, ông có quyết định hưởng TCTN 3 tháng. Sau đợt nhận trợ cấp lần đầu (tháng 7/2023), ông quên ngày hẹn nên đến Trung tâm dịch vụ việc làm thông báo tình hình việc làm trễ 1 ngày, dẫn đến bị dừng hưởng trợ cấp tháng 8/2023.
Theo ông Quyết, lịch thông báo tìm kiếm việc làm quy định không nhất quán khiến ông nhầm lẫn, thiệt thòi quyền lợi. Cụ thể, đợt trình diện đầu tiên vào ngày 5/7/2023 nhưng đợt thứ 2 lại từ 11 đến 15/8/2023.
Ông Quyết cho rằng quy định trong thời gian hưởng TCTN, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc tìm kiếm việc làm là không thực tế, gây khó khăn, phiền toái, thậm chí thiệt thòi cho người thất nghiệp.
Hơn nữa, hiện người lao động không cần đến trực tiếp mà có thể nộp hồ sơ hưởng TCTN trực tuyến qua Cổng dịch vụ công. Cho nên cần bỏ quy định buộc người lao động đang hưởng TCTN đến khai báo trực tiếp về tình trạng việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm khi sửa đổi Luật Việc làm.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, cho hay hiện nay theo Đề án 06 của Chính phủ thì thủ tục nộp hồ sơ hưởng TCTN là một trong những dịch vụ công thiết yếu và yêu cầu người dân nộp trên công dịch vụ công quốc gia (tại TP HCM có dịch vụ công một cửa TP HCM). Tuy nhiên, việc này không phù hợp với Luật Việc làm đang có hiệu lực và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Theo bà Thục, người lao động đang hưởng TCTN phải đến nộp hồ sơ, thông báo tình trạng việc làm trực tiếp để được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề. Việc người lao động đến trực tiếp cũng sẽ tránh trường hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm không theo dõi được tình trạng việc làm cũng như không giám sát được việc người lao động đã chết, đi nước ngoài ... hoặc nhờ người khác làm thay để hưởng lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.
Với quan điểm cá nhân, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho rằng khi người lao động đến trực tiếp để khai báo tình hình việc làm hằng tháng thì cơ quan chức năng cũng không thể kiểm soát hết được tình trạng người lao động đã có việc làm nhưng không khai báo để trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với trường hợp có việc làm nhưng không khai báo, nếu bị phát hiện, người lao động sẽ bị truy thu. Song hiện nay việc thu hồi số tiền hưởng sai bảo hiểm thất nghiệp từ người lao động là rất khó khăn.
Từ thực tế này, ông Hà đề xuất nên giải quyết TCTN 1 lần (nếu còn thời gian chưa hưởng theo quyết định hưởng) cho các trường hợp đang hưởng tìm được việc làm. Điều này vừa tránh quá tải cho cơ quan giải quyết bảo hiểm thất nghiệp khi phải tiếp nhận người lao động thất nghiệp "ảo" đến khai báo hàng tháng, vừa tránh được tình trạng người lao động đã có việc làm nhưng thỏa thuận với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng hết TCTN. Đồng thời, cũng giảm bớt khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thu hồi số tiền hưởng TCTN sai quy định từ người lao động.